Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ

Ngày 5/4/2024, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đã ký ban hành Thông báo số 708-TB/TU Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023.

Thông báo Kết luận nêu: Ngày 03/4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023 (viết tắt là Nghị quyết 115/NQ-CP). Sau khi nghiên cứu báo cáo và nghe dự thảo Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ý kiến của các đồng chí dự họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận và thống nhất kết luận như sau:

1. Về kết quả đạt được

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP tại văn bản 304-CV/BCSĐ ngày 02/4/2024. Đồng thời, nhấn mạnh đây là Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trên nhiều mặt; qua 03 năm triển khai thực hiện tuy còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Trung ương, sự đoàn kết, quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực khắc phục khó khăn của các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp trong tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực:

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện của các cấp, các ngành đảm bảo nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Nhân dân được nâng lên và đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao trong triển khai thực hiện. Cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy tính chủ động, tranh thủ được sự quan tâm, hỗ trợ hiệu quả của Trung ương; công tác sơ kết, đánh giá, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phối hợp trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP được tăng cường.

- Đến cuối năm 2023 hoàn thành 10 chính sách, 07 chính sách đang thực hiện trong 17 chính sách của Nghị quyết số 115/NQ-CP. Việc tập trung triển khai hiệu quả các chính sách của Nghị quyết số 115/NQ-CP, nhất là chính sách thu hút đầu tư, xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã tạo bước đột phá có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển hóa những yếu tố bất lợi (nắng và gió) trở thành lợi thế cạnh tranh, giúp tỉnh chuyển hướng phát triển kịp thời, khai thác, đánh thức các tiềm năng đất đai và thu hút mạnh mẽ đầu tư phát triển không chỉ trên lĩnh vực năng lượng tái tạo mà còn tạo sức lan tỏa cho các ngành lĩnh vực khác như: thương mại, dịch vụ, bất động sản, công nghiệp, xây dựng nông thôn mới.... Tiềm năng, vị thế của tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh được đầu tư ngày càng động bộ, liên thông, cơ bản đáp ứng cho yêu cầu phát triển.

- Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2018-2023 đạt 137.573 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với giai đoạn trước. Giai đoạn từ năm 2019-2023, tỉnh thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước (2019 đạt 13,9% đứng thứ 1 khu vực duyên hải miền trung, 2020 đạt 10,02% đứng thứ 5 cả nước, 2021 đạt 9% đứng thứ 4 cả nước, năm 2023 đạt 9,4% đứng thứ 9 cả nước). GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 87,7 triệu đồng, thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước và trong vùng; đưa Ninh Thuận từ một tỉnh thuộc nhóm nghèo nhất cả nước đến nay đã vươn lên trở thành tỉnh có mức thu nhập trung bình cao cả nước, đứng thứ 31/63 tỉnh, thành và đứng thứ 8/14 các tỉnh duyên hải Miền Trung.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã thể hiện sự quyết tâm cao, nổ lực lớn, tính linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, kịp thời thích ứng và đưa các chủ trương của Nghị quyết 115/NQ-CP thành các Nghị quyết, Chương trình hành động cụ thể để chỉ đạo đồng bộ cả hệ thống chính trị, đoàn kết nhất trí, biến những bất lợi, khó khăn của tỉnh thành lợi thế cạnh tranh, động lực phát triển, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần quan trọng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và tạo động lực quan trọng để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Điện gió được đầu tư trên địa bàn huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Nỷ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nổi lên một số hạn chế, khó khăn đó là: Có 07/17 nhóm cơ chế, chính sách trên cả 3 lĩnh vực triển khai chưa hoàn thành và chưa triển khai cụ thể. Việc triển khai các dự án năng lượng, quy mô lớn đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chậm triển khai (dự án LNG, dự án tích năng Bác Ái). Đời sống của một bộ phận người dân ở các khu vực quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân còn nhiều khó khăn, kéo dài, có lúc, có việc còn bức xúc chưa được giải quyết đồng bộ. Việc hợp tác, phối hợp, nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực có lợi thế của tỉnh còn hạn chế. Triển khai chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước tuy đạt được những kết quả quan trọng, góp vào phát triển chung cả tỉnh, nhưng quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, khuyết điểm, vi phạm theo Kết luận 1027/KL-TTCP ngày 2/4/2023 của Tổng thanh tra Chính phủ dẫn đến kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý chuyển tiếp khi các chính sách giá điện mới chậm được ban hành và thực hiện kết luận của của Tổng thanh tra Chính phủ.

Nguyên nhân hạn chế.

Nguyên nhân khách quan: Lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo còn mới, thời gian áp dụng chính sách phát triển năng lượng rất ngắn; các quy định pháp luật và cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, nhất là giữa quy hoạch ngành với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy trình hướng dẫn lấy ý kiến bộ ngành Trung ương để thực hiện đấu thầu quốc tế đối với dự án LNG khá dài nên việc triển khai chủ trương xây dựng trung tâm năng lượng tái tạo gặp nhiều vướng mắc; Nghị quyết số 115/NQ-CP ban hành sau khi Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nên cơ hội tiếp cận nguồn vốn gặp nhiều khó khăn...

Nguyên nhân chủ quan: Ngoài các nguyên nhân khách quan, cần nhấn mạnh một số nguyên nhân chủ quan đó là: Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chủ trương, cơ chế, chính sách vào thực tiễn ở một số lĩnh vực có mặt còn hạn chế, chưa quyết liệt, có việc chưa đeo bám Trung ương để kịp thời ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh. Công tác phối hợp trong thực thi nhiệm vụ có lúc, có nơi chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; nhận thức pháp luật, tinh thần trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất thực hiện các ngành còn hạn chế dẫn đến tồn tại, vi phạm trong quá trình thực hiện. Năng lực, tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, chủ động, sáng tạo của một bộ phận cán bộ, công chức viên chức trong thực thi công vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện có lúc, có việc còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

2. Về bài học kinh nghiệm

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản nhất trí với các bài học kinh nghiệm theo báo cáo. Trong đó, nhấn mạnh một số kinh nghiệm sau: (1) Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách, khai thác cái bất lợi, khó khăn thành tiềm năng, lợi thế, lựa chọn những vấn đề lớn, cấp bách mang tính đột phá để tập trung chỉ đạo; (2) Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phải phù hợp, xuất phát từ thực tiễn, điều kiện, cơ hội, tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của của địa phương; (3) Tranh thủ được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Trung ương để khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; (4) tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, sai sót không để sai sót vướng mắc nhỏ trở thành vi phạm.

3. Về các đề xuất, kiến nghị

Nghị quyết 115 của Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trên nhiều mặt; là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững; là tiền đề, động lực quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 trong thời gian tới. Tuy nhiên, Nghị quyết 115/NQ-CP đã kết thúc vào năm 2023, trong khi đó vẫn còn nhiều chính sách tỉnh chưa được thụ hưởng và một số cơ chế, chính sách phải có đủ thời gian để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất trong báo cáo, đồng thời lưu ý tiếp tục chỉ đạo rà soát, bổ sung đánh giá về bối cảnh trước và sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP; đồng thời, bổ sung, điều chỉnh các đề xuất, kiến nghị bảo đảm phù hợp với các chủ trương, chính sách mới ban hành và các quy hoạch được duyệt, phù hợp định hướng phát triển chung của tỉnh.

4. Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉ đạo nêu trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề hoàn chỉnh báo cáo, gửi Chính phủ phục vụ việc tổng kết Nghị quyết 115/NQ-CP theo yêu cầu. Trên cơ sở đó, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh báo cáo tổng kết chương trình hành động 232-CTr/TU ngày 24/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

5. Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy có báo cáo liên quan các hạn chế, vi phạm đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo theo Kết luận 1027/KL-TTCP ngày 2/4/2023 để gửi Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và các cơ quan liên quan theo quy định.