Niềm vui ở xã nông thôn mới Hòa Sơn

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Đến xã Hòa Sơn những ngày cuối tháng 3, chúng tôi ghi nhận không khí hân hoan ở khắp mọi nơi khi xã vừa đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM. Trên con đường vào trung tâm xã rực rỡ cờ hoa; niềm vui, phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người dân. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Quyên, thôn Tân Hòa, chia sẻ: Tôi rất vui mừng khi xã đạt chuẩn NTM. Nhờ đó mà diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, đời sống tinh thần người dân ngày càng nâng cao. Điển hình như việc các thôn được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang, đây không chỉ là nơi hội họp mà còn để người dân giao lưu văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục, thể thao. Hòa chung niềm vui trước những thay đổi của địa phương, ông Võ Minh Hoàng, thôn Tân Hiệp, chia sẻ: Thực hiện xây dựng NTM đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Cảnh đường lầy lội đi lại khó khăn giờ chỉ còn trong ký ức, bởi các tuyến đường giao thông hôm nay đã được nhựa hóa, bê tông, đảm bảo nhu cầu đi lại, giao thương; hai bên đường ở 6 thôn trên địa bàn xã còn được người dân đóng góp bắt điện thắp sáng, có hệ thống camera giám sát nên an ninh trật tự luôn được đảm bảo; 100% hộ dân được sử dụng điện, nước sạch, cùng với đó là sự hỗ trợ của xã trong phát triển kinh tế, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cuộc sống ngày một khá lên.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, thôn Tân Lập, xã Hòa Sơn trồng tre lấy măng cho thu nhập cao.

Niềm vui, phấn khởi của người dân hôm nay là điều dễ hiểu, bởi xã Hòa Sơn bước vào xây dựng NTM trong điều kiện xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng, giao thông chưa được đầu tư đồng bộ... là những khó khăn đặt ra đối với địa phương. Nhưng với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân tham gia xây dựng NTM, đã góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí quan trọng. Đơn cử như tiêu chí số 2 về giao thông, ngoài vốn ngân sách của địa phương, với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã đã vận động người dân hiến đất, đóng góp đá, cát và ngày công để làm đường giao thông. Đến nay, 100% các tuyến đường giao thông chính, đường liên thôn, xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng được cứng hóa đảm bảo đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

Không chỉ chú trọng phát triển giao thông, xã còn đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép các chương trình, dự án để nâng cao thu nhập người dân. Trong đó, thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ nguồn vốn vay kịp thời cho người dân, với tổng dư nợ đến đầu năm 2024 là 44,450 triệu đồng/952 hộ vay. Để phát triển cây trồng chủ lực mía, mì với tổng diện tích trên 1.200ha, xã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân với Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang và Nhà máy Chế biến tinh bột mì Fococev - Ninh Sơn, tăng cường vận động, khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, tận dụng lợi thế vùng lựa chọn cây trồng phù hợp đem lại nguồn thu nhập khá như liên kết trồng cây ăn quả (xoài Úc) theo hướng VietGAP hơn 7ha; mô hình trồng táo, mãng cầu, tre lấy măng với tổng diện tích trên 10ha. Ông Nguyễn Tiến Dũng, thôn Tân Lập, một trong những hộ tiên phong chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng tre lấy măng chia sẻ: Tôi trồng tre lấy măng được 3 năm. So với các loại cây trồng khác, trồng tre lấy măng cho thu nhập cao hơn. Trồng tre lấy măng rất dễ, lại nhẹ công chăm sóc, mỗi năm chỉ cần phát dọn cành lá, vệ sinh vườn, chặt thân cây già, bón một lần phân và tưới nước đầy đủ là cây có thể sinh trưởng, phát triển tốt. Để bán được giá cao bà con giảm nước tưới để tre ra măng trái vụ, tránh ra măng mùa mưa. Thông thường mỗi năm măng tre thu hoạch liên tục trong vòng khoảng 5 tháng, cứ 2-3 ngày là thu hoạch một lần, măng tươi bán cho thương lái với giá ổn định từ 30.000-40.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, chăn nuôi còn là một trong những thế mạnh của địa phương. Để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung, xã Hòa Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi hình thức chăn thả tự do, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô vừa. Từ đó, các mô hình nuôi bò, dê, cừu vỗ béo dần được hình thành với tổng đàn trên 2.800 con. Ngoài ra, xã còn quan tâm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phối hợp với các công ty trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm cho lao động. Từ việc linh hoạt khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và đa dạng ngành nghề đã nâng cao thu nhập của người dân, thu nhập bình quân đầu người ở địa phương đạt 47 triệu đồng/người/năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều giảm xuống còn 4,48%.

Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết: Đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM là dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Xác định xây dựng NTM là chương trình lớn, quá trình thực hiện lâu dài và mang tính toàn diện, không chạy theo thành tích mà lấy việc nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân là mục tiêu xuyên suốt. Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện các giải pháp, đề ra mục tiêu sát với tình hình thực tế, phát huy tiềm năng, lợi thế từng khu vực để nâng cao thu nhập người dân, cùng với đó là tranh thủ các nguồn lực, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, khơi dậy sức dân đồng lòng cùng địa phương phấn đấu đến năm 2025 xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6/6 thôn đạt chuẩn thôn NTM.