Nghề may tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn huyện Thuận Bắc

Nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động (LĐ) số lượng lớn của các doanh nghiệp may tại Khu công nghiệp (KCN) Du Long, thời gian qua, huyện Thuận Bắc đã tăng cường công tác đào tạo nghề may công nghiệp cho LĐ nông thôn, góp phần giải quyết việc làm theo mô hình “Ly nông bất ly hương”, giúp nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào Raglai địa phương có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Nhận thấy việc làm nông theo mùa vụ không mang lại thu nhập ổn định, chị Chamaléa Thị Di ở thôn Bà Râu 2, xã Lợi Hải quyết định chuyển đổi nghề. Sau khi hoàn thành lớp học may công nghiệp 3 tháng tại địa phương, chị được một doanh nghiệp may tại KCN Du Long ký hợp đồng LĐ ổn định với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng, đời sống được cải thiện hơn. Chị Di phấn khởi chia sẻ: Lớp học được tổ chức ngay tại thôn nên rất thuận tiện cho việc đi lại cũng như sắp xếp công việc gia đình. Giáo viên dạy rất tận tình, dễ hiểu, người LĐ không biết may chỉ cần học khoảng một tháng là đã có thể may được. Sau khi học xong, bản thân tôi và nhiều LĐ được tuyển dụng làm việc tại các công ty may công nghiệp nằm trong KCN Du Long, vừa gần nhà, vừa có thu nhập ổn định hơn làm nông, được công ty hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, nên chúng tôi rất phấn khởi, luôn động viên nhau cố gắng vươn lên thoát nghèo.

Đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động Raglai huyện Thuận Bắc.

Tại xã Phước Kháng, ông Katơr Hiền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cùng với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới theo lộ trình, xã Phước Kháng đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu LĐ, nâng cao thu nhập cho người dân. Hằng năm, địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng các mô hình dạy nghề phù hợp cũng như đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong đó, xã chú trọng công tác dạy nghề may. Trong năm 2023, trên địa bàn xã tổ chức 2 lớp dạy nghề may cho 70 LĐ địa phương và tất cả đều đã có việc làm ổn định.

Chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “Ly nông bất ly hương” là cách làm hiệu quả trong giải quyết việc làm cho LĐ nông thôn, trong đó các doanh nghiệp may trên địa bàn huyện Thuận Bắc đang góp phần giúp cho đời sống của nhiều người dân ổn định. Điều quan trọng là số LĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nhờ được học nghề may mà có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Ông Trần Minh Trực, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thuận Bắc cho biết: Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trong đó trọng tâm là KCN Du Long với nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn LĐ mỗi năm. Điều thuận lợi là huyện có nguồn LĐ dồi dào với hơn 28.000 người. Do đó, huyện đang tăng cường đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, vừa góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, vừa đảm bảo cung ứng nhân lực cho các nhà máy. Trong năm 2023, huyện đã tổ chức 14 lớp đào tạo nghề cho 434 LĐ nông thôn, trong đó chiếm phần lớn là nghề may công nghiệp với 355 học viên được đào tạo. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện tiếp tục khai giảng 3 lớp dạy nghề may công nghiệp trên địa bàn xã Bắc Sơn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dạy nghề may cho LĐ nông thôn. Tích cực tuyên truyền đến người LĐ nâng cao ý thức, tác phong sản xuất công nghiệp. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo nghề theo địa chỉ, bảo đảm việc làm cho người LĐ sau đào tạo.