Quyết tâm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn chi tiết cho các dự án đủ điều kiện bố trí vốn. Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của UBND tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai nhiệm vụ giải ngân ngay từ đầu năm.

Nhìn lại kết quả giải ngân

Giải ngân vốn ĐTC của tỉnh ta trong năm 2023 vừa qua đã ghi nhận những kết quả tích cực, tính đến ngày 31/1/2024, toàn tỉnh giải ngân vốn ĐTC 2.896,872 tỷ đồng/2.991,454 tỷ đồng, đạt 96,8% kế hoạch, đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao và cao nhất trong 3 năm trở lại đây (bình quân chung cả nước 82,47%). Trong đó, vốn ngân sách trong nước giải ngân đạt và vượt 100% kế hoạch; vốn nước ngoài đạt 82,2%; vốn chương trình mục tiêu quốc gia, đạt 94,4%. Đạt được kết quả là nhờ có sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, đơn vị chủ đầu tư trong công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm, giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể; đồng thời thường xuyên đôn đốc, đánh giá, kiểm tra, giám sát nhiệm vụ đã giao.

Thi công đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Nỷ

Bên cạnh đó có sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn 7 đơn vị giải ngân dưới 95%; một số dự án có mức vốn bố trí lớn nhưng giải ngân không đạt kế hoạch. Các khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến kết quả thực hiện giải ngân có nhiều nguyên nhân đã tồn tại nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm như: Giải phóng mặt bằng, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án chưa tốt, năng lực nhà thầu, ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế, vai trò người đứng đầu một số đơn vị chưa được phát huy đầy đủ, sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ, công tác kiểm tra, giám sát chưa quyết liệt, việc xử lý các trường hợp chậm trễ chưa kịp thời...

Quyết tâm ngay từ đầu năm

Theo Sở KH&ĐT, năm 2024, tổng kế hoạch vốn ĐTC của tỉnh ta được Thủ tướng Chính phủ giao là 2.962,596 tỷ đồng. Để đảm bảo khối lượng hoàn thành và giải ngân đạt mục tiêu từ 95-100% kế hoạch, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn, Sở KH&ĐT đã khẩn trương tham mưu UBND tỉnh phân bổ chi tiết cho các dự án đủ điều kiện bố trí vốn. Nhờ đó đến nay, tổng số vốn đã phân bổ chi tiết 2.775,569 tỷ đồng, đạt 93,7% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Tính đến ngày 22/2, toàn tỉnh đã giải ngân 373,895 tỷ đồng, đạt 12,6% kế hoạch vốn đã phân bổ.

Triển khai thi công Tiểu dự án môi trường bền vững Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.

Từ kết quả giải ngân vốn ĐTC trong năm 2023, các ngành, địa phương cũng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để tập trung triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao hơn vào thời gian tới, đó là, cần phải nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế dự án, đấu thầu đảm bảo về thời gian, hiệu quả và phân bổ vốn cho dự án ngay từ đầu năm gắn với tuân thủ các nguyên tắc bố trí vốn theo đúng quy định của Luật ĐTC. Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ĐTC cũng như đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân. Mặt khác, thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện của từng dự án, tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện và chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là trong đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC...

Đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị yêu cầu các chủ đầu tư đăng ký tiến độ giải ngân chi tiết đối với từng dự án. Đối với dự án có tỷ lệ giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết sẽ đề xuất cắt giảm, điều chuyển vốn để bổ sung sang các dự án đủ điều kiện, có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; ưu tiên điều chuyển cho các dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2024. Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương xác định công tác giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ quan trọng và cần tập trung chỉ đạo để thúc đẩy tiến độ thực hiện, tạo chuyển biến mạnh mẽ. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tập trung xử lý những vấn đề vướng mắc, phát sinh, nhất là vận động nhân dân, tháo gỡ vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án. Các ngành, các cấp đoàn kết, đồng thuận, cùng vào cuộc với quyết tâm cao, vượt qua khó khăn thách thức triển khai quyết liệt nhiệm vụ ngay từ đầu năm để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra cho năm 2024.