Phụ nữ Ninh Thuận đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh

Vào cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ phát triển mạnh mẽ, nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ (PN) và trẻ em vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp nhưng bọn chủ tư bản trả lương cho họ rất rẻ mạt, ra sức bóc lột sức lao động. Căm phẫn trước sự bất công đó ngày 8/3/1899, nữ công nhân ở Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm.

Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại thành phố Chicago và New York và đã cỗ vũ cho nhiều phong trào các nước trên thế giới. Năm 1910, Đại hội PN quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Copenhagen (Thủ đô Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế PN”- ngày đoàn kết đấu tranh của PN với những khẩu hiệu: Ngày làm 8 giờ, việc làm ngang nhau, bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của PN lao động trên toàn thế giới.

Đối với PN Việt Nam còn gắn liền lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc với những tấm gương chói lọi của Bà Trưng, Bà Triệu và bao thế hệ PN giàu lòng yêu nước, tận tụy hy sinh qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hung, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ trao tặng.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường ứng dụng các quy trình phân tích để xác định hàm lượng kim loại trong đất, nước, không khí... Ảnh: V.M

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, PN Ninh Thuận không ngừng nỗ lực, phấn đấu, năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó vượt qua mọi khó khăn vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuyên môn, công tác xã hội, vừa làm tròn vai trò người PN, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đóng góp to lớn trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Trong sản xuất nông nghiệp và phong trào xây dựng nông thôn mới, PN tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu câu trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ, xây dựng, duy trì nhiều mô hình, chuỗi sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với các loại cây lợi thế như: Nho, táo, tỏi, măng tây, cừu, dê... đạt năng suất, chất lượng cao. Trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ, lao động nữ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chế biến hải sản, tài chính, ngân hàng..., hăng hái phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, nâng cao tay nghề, chuyên môn, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, làm lợi cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động. Tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp ngày càng tăng, đóng góp tích cực trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và phong trào khởi nghiệp của tỉnh. Trên lĩnh vực giáo dục, y tế, PN chiếm đông đảo, có đóng góp đặc biệt quan trọng. Nữ cán bộ ngành Y tế bằng cả tấm lòng “Lương y như từ mẫu” tiên phong thực hiện tốt phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”, “Thực hiện 12 điều y đức”, tích cực nghiên cứu, tiếp cận kỹ thuật mới đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Nữ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo gương mẫu, năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giảng dạy; chú trọng giáo dục nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; thực hiện hiệu quả các phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Điều đáng ghi nhận hơn cả đó là công tác vì sự tiến bộ PN, nhất là công tác cán bộ nữ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đẩy mạnh, giúp chị em nâng cao vị thế của mình trong xã hội. Các cơ quan, đơn vị quan tâm bố trí, sắp xếp công việc cho nữ cán bộ phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh, tạo điều kiện cho chị em yên tâm công tác, phát huy năng lực, sở trường của bản thân. Để tăng cường sự tham gia của PN vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan lồng ghép tham mưu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ có năng lực, triển vọng để bổ sung vào nguồn quy hoạch cán bộ; tham mưu triển khai thực hiện các chính sách ưu tiên đối với cán bộ nữ. Kết quả, hiện nay toàn tỉnh có 50/92 cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 54,3%, cụ thể, tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành cấp tỉnh có 4 sở, ngành, đạt 20%; tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, thành phố có nữ là 3 huyện, đạt 42,85%; tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn có nữ là 43/65 xã, phường, thị trấn, đạt 66,15%.

Vai trò, vị trí của PN trong gia đình tiếp tục được khẳng định và phát huy. Với thiên chức là người mẹ - người thầy đầu tiên của con người, PN đã hoàn thành trách nhiệm nuôi dạy con, chăm sóc, bảo vệ con cái; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết yêu thương, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Bên cạnh đó, các chị còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh, chăm sóc, giúp đỡ các gia đình chính sách, PN nghèo,... góp phần tạo ý thức cộng đồng xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc.

Dù ở lĩnh vực nào, cương vị nào, PN Ninh Thuận luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt phong trào thi đua, các cuộc vận động của địa phương, của hội, đóng góp tích cực trong các lĩnh vực lao động, công tác và đời sống xã hội.

Năm 2024 là năm cả tỉnh “tăng tốc” tập trung hoàn thành các chỉ tiêu phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; cũng là năm các cấp hội tập trung đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội PN nhiệm kỳ 2021-2026. PN Ninh Thuận tiếp tục ra sức thi đua, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành nhiệm vụ, vai trò trong gia đình, xã hội, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng đối với Hội Liên hiệp PN tỉnh, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào PN và hoạt động của hội, các cấp hội tập trung thực hiện có hiệu quả các hoạt động để thực hiện chủ đề năm 2024 “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội”.

Phụ nữ Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam”. Ảnh: V.Nỷ

Đồng thời, tập trung các giải pháp thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội PN toàn quốc lần thứ XII và nghị quyết đại hội PN các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã đề ra cho năm 2024. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện nội dung 4 tiêu chí phong trào thi đua “Xây dựng người PN Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; đánh giá và nhân rộng việc thí điểm mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” ở địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ PN: Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức đối thoại giữa PN với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; tạo nguồn cán bộ nữ, giới thiệu hội viên ưu tú kết nạp Đảng...

Tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; mở rộng các hình thức tập hợp, thu hút hội viên tham gia tổ chức hội và các phong trào thi đua tạo sức lan tỏa giúp PN phát huy sở trường, năng lực, đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực nâng cao vị thế trong gia đình, xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội PN toàn quốc lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh.