Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản có liên quan

Ngày 3/1/2024, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành văn bản số 24/UBND-TCD về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản có liên quan.

Công văn nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Công văn số 9542/VPCP-PL ngày 01/12/2023 của Văn phòng Chính phủ về công tác thi hành Luật Tiếp cận thông tin.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin; Nghị định số 13/2018/ND-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản có liên quan trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình để nêu cao nhận thức, thực hiện tốt Luật Tiếp cận thông tin; Nghị định số 13/2018/ND-CP; gắn với việc triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Đề án 407 theo Kế hoạch số 3341/KH-UBND ngày 31/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Kế hoạch số 485/KH-UBND ngày 15/2/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên địa bàn tỉnh; gắn với thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách; các Luật, Nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trọng tâm là các lĩnh vực: xây dựng pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tư pháp; phòng, chống tội phạm; các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội; đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước với Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trong triển khai các nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (viết tắt là PBGDPL) và công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP và các văn bản có liên quan. Lựa chọn hình thức tuyên truyền PBGDPL, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn đảm bảo thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chính quyền số, đô thị thông minh; truyền thông mạng xã hội; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, lồng ghép các hoạt động PBGDPL.

3. Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của người dân; đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với Điều 3 của Luật Tiếp cận thông tin, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quyền tiếp cận thông tin; tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định pháp luật, các thủ tục hành chính không phù hợp, các giấy tờ không cần thiết; ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nhất là các lĩnh vực được người dân quan tâm (như đất đai, xây dựng, đầu tư, kinh doanh, lao động, việc làm...).

4. Rà soát, công bố Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin; thường xuyên cập nhật và công khai Danh mục thông tin phải được công khai và Danh mục thông tin được tiếp cận có điều kiện; tổ chức xây dựng và duy trì Chuyên mục về tiếp cận thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tiếp tục tổ chức rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của các thông tin do cơ quan, đơn vị, địa phương tạo ra; duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan, đơn vị, địa phương mình có trách nhiệm cung cấp cho công dân, bảo đảm hệ thống thông tin đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu; chú trọng công tác số hóa các văn bản, hồ sơ, tài liệu và kết nối với mạng điện tử để có thể truy cập thông tin dễ dàng từ các hệ thống khác nhau và tăng cường cung cấp thông tin qua mạng điện tử.

5. Căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, bổ sung cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết khác để phục vụ cho việc cung cấp thông tin cho công dân; thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin dễ dàng, nhanh chóng. Bố trí cán bộ, công chức chuyên môn làm đầu mối cung cấp thông tin trong việc xử lý, phân loại thông tin và hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và Nhân dân tại địa phương mình phụ trách về cách thức tiếp cận các nguồn thông tin của các cơ quan Nhà nước được đăng tải trên cổng thông tin điện tử khi có nhu cầu tìm hiểu, thống kê số liệu và báo cáo kết quả cung cấp thông tin.

6. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các Tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường công tác tuyên truyền trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và toàn thể Nhân dân về Luật tiếp cận thông tin và các văn bản liên quan trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

7. Giao Sở Tài chính hướng dẫn lập dự toán, sử dụng, thanh, quyết toán chi phí về tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản có liên quan trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan khác theo quy định.

8. Giao Sở Tư pháp:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức hội nghị phổ biến Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/ND-CP và các văn bản có liên quan trong quý II/2024.

b) Thường xuyên tập huấn về kiến thức, kỹ năng cung cấp thông tin trong việc xử lý, phân loại thông tin, thống kê số liệu về báo cáo kết quả cung cấp thông tin cho công chức làm đầu mối cung cấp thông tin để thực hiện đạt hiệu quả.

c) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/ND-CP và các văn bản có liên quan. Kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp theo quy định.

d) Chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của người dân (nếu có) để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp; công việc hoàn thành trong tháng 01/2024./.