Tăng cường kiểm soát động vật, sản phẩm động vật, đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Nhằm chủ động ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển động vật (ĐV), sản phẩm động vật (SPĐV), kiểm soát tốt các loại dịch bệnh để phát triển chăn nuôi bền vững, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, nhất là dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ngày 20/12/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5304/UBND-KTTH yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả nội dung nêu trên.

Công văn của UBBD tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc vận chuyển ĐV,SPĐV, giết mổ, nhất là lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ gia súc (GS), gia cầm (GC) không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không rõ nguồn gốc; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh GS,GC, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đồng thời, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý dịch bệnh nhằm giúp các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh ĐV xảy ra và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ ĐV bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững.

Tăng cường phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh minh họa

Cùng với đó, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp, bám sát địa bàn, chủ động thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh ĐV, nhất là bệnh DTLCP; tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch, chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng, tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, an toàn dịch bệnh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Phối hợp với đoàn liên ngành thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ GS,GC; tăng cường công tác kiểm tra truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển ĐV,SPĐV và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phân công cán bộ Trạm kiểm dịch ĐV Thuận Bắc trực 24/24 giờ, tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện tiêu độc tất cả các phương tiện vận chuyển ĐV,SPĐV đi qua trạm; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển GS, sản phẩm GS trái phép, nhập lậu vào địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành. Thành lập đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng để chủ động ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong buôn bán, vận chuyển ĐV,SPĐV, cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh ĐV, nhất là bệnh DTLCP.

Giao Cục Quản lý thị trường (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) tham mưu chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai tăng cường các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép ĐV,SPĐV đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, vận chuyển GS,GC, các sản phẩm GS,GC không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý thị trường, chỉ đạo các lực lượng công an, thanh tra giao thông, quản lý thị trường tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ ĐV,SPĐV trái phép trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị: Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại, ảnh hưởng của việc nhập lậu GS,GC; nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ ĐV,SPĐV trái phép và các biện pháp phòng, chống dịch để người chăn nuôi biết, chủ động phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Sở Nội vụ tiếp tục rà soát, phối hợp Sở NN&PTNT nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp thuộc tỉnh theo quy định của Luật Thú y, các quy định khác liên quan và tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh để đảm bảo các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh ĐV, ngăn chặn việc nhập lậu, vận chuyển trái phép ĐV,SPĐV trên địa bàn tỉnh.

Đối với UBND các huyện, thành phố, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ (đặc biệt là các cơ sở giết mổ không được cấp phép), vận chuyển ĐV,SPĐV trái phép, không rõ nguồn gốc vào địa bàn quản lý. Tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực để triển khai quyết liệt, động bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ĐV, nhất là bệnh DTLCP theo quy định của pháp luật về thú y, chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở NN&PTNT; khuyến cáo các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; an toàn dịch bệnh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá thực trạng để chủ động chỉ đạo các biện pháp phù hợp, tổ chức ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm những sai phạm trong buôn bán, vận chuyển ĐV, SPĐV cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh ĐV, nhất là bệnh DTLCP tại các địa phương.

Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, tăng cường tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên, cộng đồng dân cư thực hiện tốt các quy định của pháp luật về thú ý; tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ĐV và chăn nuôi an toàn sinh học; giám sát, phát hiện và tố giác các trường hợp giấu dịch, bán chạy, vứt xác ĐV chết ra môi trường, giết mổ ĐV trái phép và các trường hợp buôn bán, vận chuyển ĐV,SPĐV ốm, chết, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trong quá trình triển khai thực hiện các đơn vị, địa phương báo cáo kết quả và các vấn đề phát sinh cho UBND tỉnh (thông qua Sở NN&PTNT) để theo dõi, chỉ đạo xử lý kịp thời.