Từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Ninh Thuận

Thời gian qua, tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng thương hiệu nông sản Ninh Thuận, trọng tâm là phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ nhằm gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, đáp ứng “lợi ích kép” vừa nâng cao thu nhập cho nông dân vừa cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Theo ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Để phát triển NN bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm NN, đơn vị tham mưu UBND tỉnh xây dựng, hình thành và phát triển các khu, vùng sản xuất NN công nghệ cao (CNC), vùng sản xuất NN theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để làm hạt nhân thúc đẩy phát triển NN theo hướng hiện đại. Mục tiêu đến 2025, Ninh Thuận phấn đấu có từ 3-5 vùng NN CNC với diện tích 1.000 ha, giá trị sản xuất NN ứng dụng CNC đạt 700 triệu đồng/ha/năm.

Trên cơ sở phát triển các vùng sản xuất NN sạch tập trung vào các nông sản chủ lực như: Nho, táo, măng tây xanh, nha đam, hành, tỏi, dưa lưới,... từ đó lựa chọn các đối tượng thích ứng tốt ở các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi, có khả năng chống chịu sâu bệnh để hình thành các vùng sản xuất các sản phẩm đặc trưng có tiềm năng xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và đầu tư áp dụng CNC vào sản xuất. Qua đó, một số sản phẩm đặc thù của các địa phương từng bước khẳng định được lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu trên thị trường.

Sản phẩm OCOP của hộ kinh doanh Xứ Phan tại tuần lễ quảng bá Sàn thương mại điện tử Ninh Thuận. Ảnh: Anh Thi

Sản xuất nông sản sạch gần đây có bước phát triển và ngày càng tăng về quy mô, năng suất, chất lượng. Toàn tỉnh hiện có hơn 579 ha nho, táo, măng tây xanh, nha đam, cây ăn quả, dưa lưới, lúa được chứng nhận VietGAP; 2.643 ha được chứng nhận hữu cơ, chủ yếu là măng tây, nha đam, điều và hơn 207 ha sản xuất ứng dụng CNC. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng; công nghệ sinh học, vi sinh; công nghệ sản xuất NN không dùng đất có hiệu quả cao, tạo ra nông sản sạch đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường.

Cùng với đó, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, liên kết với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) cũng được củng cố và phát triển. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 67 mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản với quy mô 14.981 ha. Trong đó, có 43 liên kết thông qua HTX và 24 liên kết do DN liên kết trực tiếp với nông dân sản xuất lúa, bắp giống, nho, táo, măng tây xanh, nha đam, mì, điều, mía đường, chanh không hạt và rau các loại. Qua các năm, mối liên kết giữa nông dân và DN trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với một số cây trồng ngày càng mở rộng hơn.

Sở Công Thương và Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm NN, xây dựng thương hiệu nông sản Ninh Thuận. Thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông các đơn vị đã hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề chế biến, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng, đăng ký, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu OCOP liên quan đến các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương.

Mô hình liên kết trồng nha đam giữa nông dân xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) với Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt.

Ninh Thuận hiện có 28 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 282 ha cây trồng được cấp; trong đó, có 24 mã số vùng trồng nội địa và 4 mã số vùng trồng xuất khẩu. Sau khi được cấp mã số vùng trồng, các DN không ngừng cải tiến và ứng dụng công nghệ cao, máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất. Đồng thời, để các sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các DN đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nâng cấp cải tiến thiết bị và công nghệ xử lý sản phẩm tự động, áp dụng sản xuất sạch trong quy trình chế biến...

Để xây dựng thương hiệu nông sản Ninh Thuận, trong năm 2023 tỉnh dành hơn 21 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đầu tư cho hoạt động xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã số vùng trồng cây nguyên liệu, ứng dụng CNC trong sản xuất NN; hỗ trợ từ ít nhất 3 DN trên địa bàn tỉnh được công nhận DN NN ứng dụng CNC. Bên cạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử, tỉnh cũng ưu tiên sử dụng các nguồn lực để thực hiện nhanh chuyển đổi số trong NN.