Hiệu quả chuyển đổi cây trồng ở xã Phước Bình

Nhờ sự quan tâm của tỉnh trong đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, vài năm trở lại đây, xã Phước Bình trở thành điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Bác Ái. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

 Anh Nguyễn Mạnh Nghĩa ở thôn Bậc Rây 2, xã Phước Bình chăm sóc vườn bưởi da xanh.

Gia đình anh Nguyễn Mạnh Nghĩa ở thôn Bậc Rây 2 là một trong những hộ đầu tiên ở xã Phước Bình mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất dốc. Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở địa phương khá thuận lợi cho việc trồng các loại cây ăn quả, cách đây gần 9 năm gia đình anh đã cải tạo hơn 5 sào đất đồi để trồng bưởi da xanh. Nhờ cần cù trong sản xuất, vườn cây ăn quả của gia đình anh đã cho quả ngọt, mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng. Anh Nghĩa bộc bạch: Trước đây gia đình tôi chỉ trồng cây chuối sứ và những cây ngắn ngày như bắp, đậu... hiệu quả không cao. Từ khi được xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tôi đã mạnh dạn mua giống bưởi da xanh về trồng, nhờ đó giúp kinh tế của gia đình ngày càng phát triển. Vui hơn là bưởi Phước Bình mới được cấp mã số vùng trồng đã khẳng định thương hiệu trên thị trường, giúp bà con nâng cao thu nhập. Cũng như gia đình anh Nghĩa, nhờ chuyển đổi cây trồng đúng hướng, đến nay vườn cây ăn quả với diện tích hơn 1 ha của gia đình ông Tăng Màu ở thôn Bố Lang đã cho thu hoạch. Ông Màu chia sẻ: Chủ trương chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương của xã đã giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là xã miền núi có địa hình phức tạp, năm 2005 khi Tỉnh lộ 707 được nâng cấp tạo sức bật cho Phước Bình phát triển. Nông dân địa phương đã tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển kinh tế, nhờ đó đến nay Phước Bình là xã dẫn đầu của huyện Bác Ái trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện nay, xã đã phát triển vùng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao với tổng diện tích 1.883 ha; trong đó, bưởi da xanh 193 ha, sầu riêng 49.8 ha, chuối 701 ha, điều, cà phê, chôm chôm 900 ha. Bằng việc phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng cùng với định hướng của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã giúp người dân nâng cao thu nhập.

Đồng chí Phạm Phùng Bảo Châu, Chủ tịch UBND xã Phước Bình cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của bà con, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu. Trong thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Tập trung phát triển vườn cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái vườn, góp phần xây dựng thương hiệu trái cây Phước Bình.