Nông dân Ninh Sơn ứng dụng hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp (NN) đang được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ninh Sơn áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sự lan tỏa tích cực.

Là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất NN, anh Lương Tuấn Dũng, thôn Trà Giang, xã Lương Sơn đã lắp đặt hệ thống nhà màng trồng dưa lưới không tiếp đất, khác với phương pháp trồng dưa lưới theo kiểu đại trà là trồng dưới đất. Chia sẻ với chúng tôi, anh Dũng cho biết, trong một lần được tham quan mô hình trình diễn của hộ dân ở địa phương về trồng dưa lưới trong nhà màng, nhận thấy tiềm năng từ mô hình này nên anh đã quyết định vay vốn ngân hàng để khởi nghiệp ban đầu trên diện tích 3 sào. Với chi phí đầu tư nhà màng từ 250 triệu đồng/sào và lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tự động, chỉ với việc điều khiển từ xa các nút lệnh cơ bản là đóng - mở và chuyển làn tưới, hệ thống sẽ tự động dẫn nước đến tận gốc. Bên cạnh đó, anh còn nuôi ong để thụ phấn cho vườn dưa lưới, đảm bảo chất lượng hạt phấn và tỷ lệ đậu quả cao nhất. Nhờ ứng dụng công nghệ, không chỉ giúp anh tiết kiệm chi phí nhân công, mà cách trồng trong nhà màng còn loại bỏ côn trùng gây hại, chắn mưa, nắng ảnh hưởng đến cây trồng. Hiện tại anh đã mở rộng diện tích 7 nhà màng trồng gần 1 ha dưa lưới. Anh Dũng khẳng định: Trồng dưa lưới trong nhà màng tuy vốn đầu tư cao nhưng lợi nhuận cũng cao gấp nhiều lần so với cách trồng truyền thống. Tôi có thể chủ động trong sản xuất mà không phải lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu; tuân thủ đúng quy trình trồng, chăm sóc nghiêm ngặt, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng thì cây dưa lưới sẽ phát triển rất tốt. Với trung bình 3 tháng cho một vụ sản xuất, tôi thu hoạch từ 3-4 tấn/sào, mỗi sào thu lãi từ 40-50 triệu đồng.

Anh Nguyễn Đình Trí, thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) áp dụng
mô hình trồng nho trong nhà màng kết hợp du lịch vườn trở thành điểm đến tham quan thu hút du khách.

Tuy không phải là cây trồng mới, nhưng với sự nhanh nhạy của bản thân và sự trợ giúp đắc lực của khoa học - kỹ thuật, anh Nguyễn Đình Trí ở thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) cũng đã xây dựng thành công mô hình trồng nho trong nhà màng và phát triển các giống nho mới tại địa phương. Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà màng gần 7 sào trồng các giống nho như: Nho ngón tay đen, nho sữa (mẫu đơn), nho hồng nhật và nho xanh của gia đình, anh Trí chia sẻ: Trước đó, trên diện tích đất 1,2 ha thâm canh nhiều cây trồng khác nhau nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn, qua tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như được Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nhiệp Nha Hố chuyển giao kỹ thuật, năm 2021, tôi bắt tay vào trồng các giống nho mới trong nhà màng có mái che, kết hợp lắp đặt hệ thống tưới tự động. Từ khi áp dụng trồng nho trong nhà màng có mái che giúp ngăn được mưa, sương muối, hạn chế tình trạng sâu bệnh gây hại nên ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Môi trường thuận lợi nên giống nho sinh trưởng và phát triển tốt, cây dễ ra bông đậu quả hơn.

Sau 3 năm mạnh dạn đầu tư mới đồng bộ từ giống đến công nghệ trồng, hiện sản phẩm nho tươi ngón tay đen, nho sữa (mẫu đơn), nho hồng nhật và nho xanh của vườn nhà anh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Với năng suất đạt khoảng 1,2 tấn/sào, giá bán dao động từ 100.000-300.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với giống truyền thống. Bên cạnh đó, trồng nho trong nhà màng còn giúp anh khắc phục được tính vụ mùa, canh tác trái vụ cho thu hoạch nho luân phiên để kết hợp phát triển mô hình du lịch vườn. Chỉ mới bắt đầu mô hình du lịch vườn chưa đầy một năm, vườn nho của anh đã thu hút trên 4.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Việc ứng dụng CNC vào sản xuất NN hiện đang là bài toán khó đối với người dân, bởi chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn. Thế nhưng với những nông dân tiên phong đi đầu đã dần góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giúp họ từng bước mạnh dạn đầu tư, hình thành các mô hình chuyển đổi cây trồng, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, mở ra hướng đi mới trong sản xuất NN... qua đó, dần mở rộng diện tích đất làm NN CNC của toàn huyện có hơn 100 ha. Huyện xác định sản xuất NN ứng dụng CNC đang là xu hướng tất yếu, là giải pháp nâng cao chất lượng nông sản, giá trị trên một đơn vị sản xuất. Thời gian tới, bên cạnh việc phát huy nội lực, thực hiện các chính sách khuyến khích, phát triển NN ứng dụng CNC; hỗ trợ triển khai, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, huyện cũng đang nỗ lực tìm kiếm các nhà đầu tư để tăng cường nguồn lực, phát triển và tiêu thụ bền vững các sản phẩm của người dân làm ra.