Ninh Phước: Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong năm 2023, huyện Ninh Phước đã triển khai đồng bộ, thu hút nhiều sản phẩm tham gia với số lượng và chất lượng được nâng cao. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc nâng tầm giá trị, góp phần phát huy thế mạnh các sản phẩm OCOP của huyện.

Năm 2023, Ninh Phước có 13 sản phẩm mới của 8 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, thực phẩm có 8 sản phẩm, đồ uống 3 sản phẩm, đồ lưu niệm 1 sản phẩm và dịch vụ nông thôn, bán hàng 1 sản phẩm. Qua quá trình xét chọn ý tưởng, thẩm định phương án SXKD, khảo sát cơ sở và dựa trên các tiêu chí đánh giá, xếp hạng có 4 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đợt I/2023 được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện chấm điểm đạt từ 50 điểm trở lên và đủ điều kiện đánh giá, xếp hạng đạt tiêu chuẩn 3 sao. Có được kết quả này, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ thể về mục đích, ý nghĩa của chương trình. Qua đó, các chủ thể nhận thấy được lợi ích, hiệu quả của việc phát triển các sản phẩm OCOP và tích cực tham gia.

Theo các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đây không chỉ là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương, mà Chương trình OCOP thực sự là cơ hội để các cở sở ở địa phương khai thác tiềm năng, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Với những nỗ lực của các chủ thể khi xây dựng sản phẩm OCOP đã giúp các cơ sở SXKD từng bước nâng cao giá trị nông sản địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Thiên, thôn Phước An 1, xã Phước Vinh chia sẻ: Trước đây, tôi trồng mãng cầu chủ yếu bán ra cho thương lái nên giá cả không ổn định. Đầu năm 2023 được địa phương tuyên truyền, vận động và được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ tôi đã tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm mãng cầu Thái tươi. Đến nay, sản phẩm mãng cầu thái đã được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Đây không chỉ là cơ hội để tôi nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, mà còn là động lực gia đình phát triển thêm các sản phẩm, góp phần nâng tầm sản phẩm lợi thế của địa phương.

Sản phẩm táo sấy dẻo của cơ sở sản xuất, kinh doanh Trung Tuấn (Phước Thuận)
được Hội đồng đánh giá sản phẩm huyện chấm điểm đạt 3 sao.

Việc phát triển Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Ninh Phước trong thời gian qua đã giúp các chủ thể thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng các kênh quảng bá, bán hàng giúp mở rộng thị trường; mở ra cơ hội để người dân địa phương tham gia chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh. Đồng thời, đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ đến hoạt động SXKD sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện, có tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới có hiệu quả; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, mang lại hiệu quả cao cho các chủ thể.

Ông Đàng Năng Tom, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Thông qua Chương trình OCOP, từ năm 2020 đến nay huyện đã xây dựng được 24 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng được công nhận OCOP. Riêng trong năm 2023, có 4 sản phẩm được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện chấm điểm, xếp hạng đạt tiêu chuẩn 3 sao. Để tiếp tục đánh giá, xếp hạng các sản phẩm OCOP, thời gian tới, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP. Theo đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ thể phát triển sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương tham gia sản phẩm OCOP. Tập trung hỗ trợ cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng nhãn hiệu, bao bì, hồ sơ, thủ tục để công nhận sản phẩm OCOP cũng như nâng hạng cho các sản phẩm. Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng sản xuất của từng địa phương; vận động các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất các sản phẩm OCOP; tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể về quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP. Phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của huyện đã được công nhận, nhằm quảng bá hình ảnh, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm; xây dựng một số điểm bán hàng và tham gia hội chợ bán sản phẩm đặc thù chủ lực của địa phương. Tập trung quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến về các sản phẩm đặc thù, các sản phẩm OCOP của huyện...