Là một nhà thầu xây dựng nhưng ông Nghĩa rất đam mê với tranh cát, nên luôn tự mình mày mò tìm hiểu. Đến năm 2010, được nhiều người động viên ông tham gia Hội chợ thương mại - làng nghề gắn với Lễ hội Katê bằng bức tranh cát vợ chồng và may mắn đạt giải khuyến khích. Từ giải thưởng đó nhiều người biết đến “họa sĩ tay ngang” Minh Nghĩa, trong đó có nhiều em khiếm thính tìm đến xin được học vẽ tranh cát. Năm 2011, được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép đào tạo nghề; các cấp, ngành địa phương hỗ trợ ông Minh Nghĩa trở thành thầy dạy vẽ miễn phí cho TKT. Và rồi, lớp học đặc biệt của thầy Minh Nghĩa ra đời, ở đó thầy và trò giao tiếp thông qua ký hiệu bằng tay, ánh mắt. Giáo cụ là những chiếc ly thủy tinh, lồng kính, cát cùng những chiếc thìa và que tre nhỏ được ví như bút, vở của học trò. Bằng những hạt cát vô hồn, các em tự tay vẽ nên những tác phẩm của cuộc đời mình, mang đậm hơi thở cuộc sống. Để có nguyên liệu vẽ tranh, ông đến nhiều nơi như đồi cát Nam Cương tìm cát màu đỏ, cát màu đen ở nhà máy chế biến khoáng sản titan, cát màu da thì ông lấy từ bãi biển Bình Sơn,... Thấy được ý nghĩa việc làm của ông, nhiều người chung tay tự nguyện hỗ trợ đóng góp nguồn nguyên liệu giúp các em thoải mái sáng tác. Tranh cát ghi lại phong cảnh quê hương, những hình ảnh thân thuộc trong cuộc sống đến những bức chân dung phức tạp bằng cách đổ cát khéo léo lần lượt từ trên xuống. Để trở thành một họa sĩ vẽ tranh cát, người học vẽ cần thành thạo kỹ thuật trộn màu, phân lớp màu, chọn khung, trình bày đường nét chi tiết trong bức tranh. Cùng với kỹ thuật tỉ mỉ, đòi hỏi người học phải có nghị lực, sự kiên trì mới bám trụ được với nghề. Bởi nếu chẳng may sai sót một lỗi nhỏ đều phải làm lại từ đầu.
Ông Đặng Minh Nghĩa hướng dẫn cho em Nguyễn Văn Nguyên vẽ tranh cát.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của ông Nghĩa, nhiều TKT đã có trong tay một nghề làm vốn sống. Trung bình mỗi em có thể sáng tác từ 1-2 bức tranh phong cảnh mỗi ngày, thu nhập hằng tháng khoảng 4-7 triệu đồng. Theo thầy Nghĩa học vẽ từ những ngày đầu tiên, em Nguyễn Văn Nguyên, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) đến nay đã thành thạo các kỹ thuật, biết chữ, sử dụng các ngôn ngữ ký hiệu và trở thành nhân viên chính làm việc tại phòng tranh Minh Tuấn. Nguyên chia sẻ: Em may mắn được thầy Nghĩa dạy vẽ miễn phí, đến nay đã có trong tay nghề cơ bản có thể tự nuôi sống bản thân. Tranh cát giúp em tự tin vượt qua những khiếm khuyết bản thân. Hay như em Châu Thanh Khoa, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) đến nay đã tự mở phòng tranh riêng cho mình, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Dẫu số phận không mỉm cười với những TKT, với nghị lực phi thường những bức tranh ban đầu còn đơn điệu, nhưng dần dần mang sắc thái sống động. Những tác phẩm như tiếng lòng của người khiếm thính qua từng nét vẽ, màu cát đặc sắc thổi hồn vào các bức tranh như: Bảo tàng Ninh Thuận, chân dung Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay phong cảnh quê hương, đất nước. Những tác phẩm của phòng tranh Minh Tuấn ngày càng được nhiều người biết đến. Không chỉ dạy vẽ miễn phí, hỗ trợ cơm trưa, ông Nghĩa còn giúp các em tìm đầu ra sản phẩm. Ông Minh Nghĩa đã kết nối, ký gửi sản phẩm ở các địa điểm du lịch như Tháp Po Klong Garai; Saigontourist... giới thiệu sản phẩm cho các em. Từ đó, phòng tranh Minh Tuấn được nhiều khách hàng biết đến, đặt hàng đều đặn, tạo nguồn thu ổn định, giúp các em tự tin sống với nghề. Phòng tranh không chỉ là nơi để các TKT thể hiện tài năng mà còn có thể kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Nói về dự định thời gian tới ông Minh Nghĩa chia sẻ: Nhìn thấy sự trưởng thành của các học trò, tôi dần vơi đi những nỗi lo. Giờ đây tôi mong muốn mở rộng phòng tranh với nhiều loại hình đa dạng hơn như tranh đá, tranh thêu kết nối nhiều em khuyết tật có thể dễ dàng học theo nhu cầu, sở trường của mình.
Mỹ Dung