Chuyển biến tích cực từ công tác chuyển đổi số

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Điều hành chuyển đổi số (CĐS) tỉnh, cấp ủy, chính quyền và cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện công tác CĐS đạt kết quả trên các mặt công tác.

Để cụ thể hóa chủ đề năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về CĐS, ngay từ đầu năm, BCĐ CĐS tỉnh đề ra chủ đề hành động: “Huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển sử dụng dữ liệu số, tăng cường số hóa quy trình; mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phấn đấu hoàn thành ít nhất một sản phẩm CĐS năm 2023”; đồng thời, ban hành kế hoạch hoạt động với 19 chỉ tiêu cụ thể với 3 nhóm mục tiêu chính. Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua CĐS năm 2023; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với Công ty SVTECH tổ chức hội nghị về xu hướng CĐS và các giải pháp công nghệ ứng dụng CĐS trên các lĩnh vực. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thành lập BCĐ CĐS và ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ; có 18 cơ quan, đơn vị đã đăng ký sản phẩm CĐS, trong đó có 1 sản phẩm đã hoàn thành. Toàn tỉnh thành lập 65 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn với 840 thành viên; 446 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, khu phố với 2.439 thành viên. Công tác truyền thông về CĐS được quan tâm triển khai thường xuyên, đồng bộ với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Đơn cử như Tỉnh đoàn đã ban hành chương trình nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh thiếu niên giai đoạn 2023-2025; tổ chức ngày hoạt động cao điểm trong Tháng Thanh niên năm 2023 với nội dung tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, cài đặt định danh điện tử VNeID và thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Điểm giao dịch điện tử không cần nhân viên đứng quầy của VietinBank Ninh Thuận. Ảnh: Phan Bình

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp (DN) và nhân dân, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt được kết quả quan trọng; có 8/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Một số kết quả nổi bật về phát triển hạ tầng số như: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ sóng 90% hộ gia đình và 100% thôn, khu phố; 100% cơ quan nhà nước được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Đảng, Nhà nước. Về phát triển chính quyền số: DVCTT toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trực tuyến đạt 81,17%, vượt 11,17%. Việc trao đổi, xử lý văn bản điện tử trên môi trường mạng đạt 98,95% đối với cấp tỉnh, 96,58% đối với cấp huyện và 92,35% đối với cấp xã. Với nhóm mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số, toàn tỉnh có 91,79% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (TMĐT); tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 100%; 100% DN, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ lệ người dân từ đủ 15 tuổi trở lên số có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 70%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 93,1%, vượt 3,1%; thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trên 90%...

Đoàn phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) hướng dẫn người dân đăng ký, cài đặt định danh điện tử VNeID và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Việc số hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong hoạt động quản lý, điều hành được cấp ủy, chính quyền và cơ quan, đơn vị trong tỉnh tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cơ bản được đảm bảo. Đặc biệt, sau một thời gian triển khai thực hiện, đến nay, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã hoàn thành đi vào hoạt động. Kết quả chỉ số CĐS (DTI) năm 2022 theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng 7/2023 tỉnh ta đạt 0,5934, tăng 94,69% so với năm 2021, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố, tăng 26 bậc so với năm 2021 và thuộc nhóm các tỉnh có giá trị trên mức trung bình chung của cả nước. Tuy vậy, công tác CĐS thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin mạng, bảo mật dữ liệu, số hóa hồ sơ, tài liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; một số đơn vị có tỷ lệ hồ sơ DVCTT đạt thấp, nhất là hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai (2,06%); tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ đạt thấp (33,25%); hoạt động TMĐT còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều DN và người dân tham gia...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CĐS, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2023, tại cuộc họp mới đây của BCĐ CĐS tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ CĐS tỉnh đã yêu cầu BCĐ, Ban Điều hành CĐS tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức sâu rộng trong hệ thống chính trị, xã hội, DN về công tác CĐS; tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của đối tác, thu hút đầu tư của xã hội. Cùng với đó, tập trung phát triển các hạ tầng số quan trọng, ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng số tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức kỹ năng số trên địa bàn tỉnh; quan tâm làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về CĐS; các nội dung về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nhất là việc đẩy mạnh cung cấp DVCTT, TMĐT, hỗ trợ DN CĐS, cấp danh tính số, tài khoản định danh điện tử cho người dân... Quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023.