Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mía

Thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng. Nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) và công nghệ tiên tiến được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất mía. Cơ giới hóa triển khai đồng bộ đã góp phần giảm công lao động, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Một số mô hình sản xuất mới đầu tư theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nông dân áp dụng cơ giới hóa bằng việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu. Ảnh: CTV

Tại vùng trồng mía nguyên liệu quy mô 823 ha ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) nhiều nông dân đã tự tìm tòi học hỏi để cải tiến các thiết bị máy móc chăm sóc cây mía, nhờ đó giảm đáng kể chi phí thuê nhân công lao động. Ông Nguyễn Hồng gắn bó với nghề trồng mía hơn 20 năm, nhờ chú trọng ứng dụng KH-KT vào sản xuất nên năng suất mía đạt cao, cho thu nhập ổn định. Ông là một trong những hộ dân ở địa phương đi đầu trong trồng mía hàng đôi với quy cách hai hàng đôi cách nhau 1,5-1,6 m, giữa mỗi hàng đôi hàng cách hàng 0,4 m tạo thuận lợi cho việc sử dụng máy cày loại nhỏ vào giữa hàng cày vun gốc thay vì sử dụng sức kéo của trâu, bò như trước đây. Theo ông Hồng, việc thực hiện cơ khí hóa đã giúp nông dân giảm được nhiều chi phí trong sản xuất mía, chủ động được thời gian cày, chăm sóc, không phụ thuộc vào công lao động đang ngày càng khan hiếm.

Không riêng gì ông Hồng, nhiều hộ dân ở huyện Ninh Sơn cũng đã ứng dụng mô hình “Cơ giới hóa trong sản xuất mía” trên quy mô lớn. Tham gia mô hình các hộ sử dụng máy cày đa năng loại nhỏ, phù hợp với nhiều công đoạn sản xuất, giúp cơ giới hóa hầu hết các công đoạn trong quá trình chăm sóc mía, như: Lấp đất sau khi đặt hom trồng mía mới, cày đất để bón phân và xới cỏ, lấp đất sau khi bón phân... Thực hiện mô hình, các hộ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật quản lý, vận hành máy cày đảm bảo hiệu quả.

Hiện nay, nhiều tiến bộ KH-KT đã được ứng dụng vào sản xuất mía. Niên vụ mía 2023-2024, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang đã mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mô hình “Phun phân bón lá kết hợp với thuốc trừ sâu đục thân cho cây mía bằng máy bay không người lái” trên địa bàn huyện Ninh Sơn, tập trung ở các xã: Lâm Sơn, Quảng Sơn và Mỹ Sơn. Việc sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu tiết kiện được nhiều công sức và chi phí. Cụ thể, mỗi hécta mía phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thủ công phải cần ít nhất 4-5 người làm việc trong một ngày, với chi phí khoảng 1,2-1,5 triệu đồng tiền công; trong khi đó, phun thuốc bằng máy bay chỉ tốn thời gian khoảng 15 phút, chi phí hết 420.000 đồng. Ngoài ra, sử dụng máy bay phun thuốc sẽ giảm được khoảng 30% lượng thuốc, vì máy bay phun dưới dạng sương và với áp lực của cánh quạt giúp thuốc bám điều vào bề mặt của lá mía. Ông Nguyễn Hào ở thôn Tầm Ngân, xã Lâm Sơn, cho biết: Niên vụ mía 2023-2024 tôi trồng 19 ha, nếu phun thuốc sâu và phân bón lá bằng thủ công thì tốn tiền nhân công rất lớn, khoảng 30 triệu đồng. Năm nay, sử dụng máy bay phun thuốc rất hiệu quả, 19 ha mía của tôi chỉ phun trong một ngày là xong, giảm được 2/3 tiền thuê nhân công.

Ông Lê Vinh Thắng, Phó phòng Nguyên liệu Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang, cho biết: Công ty đã thực hiện xong đợt 1 phun thử nghiệm 149 ha mía, trong tháng 9 tới, công ty sẽ tiếp tục thực hiện phun đợt 2 với diện tích dự kiến 200 ha trên địa bàn huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc cho cây mía mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty mong muốn ngành chức năng, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ công ty nhân rộng mô hình này nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho bà con trồng mía.

Mía là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Ninh Sơn. Thế nhưng, những năm gần đây sự thăng trầm của cây mía đã làm diện tích trồng mía sụt giảm. Việc đẩy mạnh ứng dụng KH-KT vào sản xuất sẽ giúp vùng nguyên liệu mía phục hồi, phát triển bền vững.