Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, các ngành, địa phương đã có nhiều quyết tâm, nỗ lực triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác giải ngân vốn đầu tư còn bị vướng nhiều khâu làm chậm tiến độ.

Theo thống kê của các địa phương, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023 và nguồn vốn năm 2023 với 7 dự án, tổng kinh phí thực hiện 204,21 tỷ đồng, nhưng hiện nay mới giải ngân được 62,14 tỷ đồng, tương đương 30,48% kế hoạch vốn giao. Cụ thể Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, thực hiện trên địa bàn huyện Bác Ái và xã Phước Dinh (Thuận Nam) đã giải ngân 40,26 tỷ đồng, đạt 78,28%. Dự án đa dạng hóa sinh kế (ĐDHSK), phát triển mô hình giảm nghèo đã giải ngân 5,76 tỷ đồng, đạt 15,95%. Trong đó, đối với cấp tỉnh, đã phê duyệt, giải ngân đạt 35%; đối với các huyện, thành phố, đã triển khai phê duyệt 237 dự án ĐDHSK các mô hình dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và thực hiện mô hình nuôi bò, dê sinh sản. Riêng huyện Ninh Sơn hiện nay mới phê duyệt, đặc biệt huyện Bác Ái đến nay vẫn chưa triển khai dự án. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, hiện đã triển khai phê duyệt 39 phương án ĐDHSK, giải ngân được 2,41 tỷ đồng, đạt 15,95%; Tiểu dự án về cải thiện dinh dưỡng, hiện Sở Y tế đã giải ngân 259 triệu đồng, đạt 7,01%. Dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững đã giải ngân 10,37 tỷ đồng, đạt 16,48%. Chương trình hỗ trợ việc làm bền vững, hiện đã giải ngân hơn 2 tỷ đồng, đạt 17,76%. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo Bác Ái, đã được phê duyệt 139 căn với kinh phí 8,31 tỷ đồng, sau khi hoàn thành khối lượng 30% công việc, UBND huyện Bác Ái sẽ hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Dự án về truyền thông và giảm nghèo về thông tin, đến nay đã giải ngân 126,74 triệu đồng, đạt 2,1% kế hoạch vốn...

Mô hình trồng bắp lai của nông dân huyện Ninh Phước mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để triển khai chương trình, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có cơ sở để triển khai thực hiện và giải ngân chương trình theo kế hoạch. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình còn nổi lên một số khó khăn đó là: Dự án hỗ trợ ĐDHSK, nhân rộng các mô hình giảm nghèo thuộc lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Một số địa phương vẫn chưa triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh kế tác động trực tiếp đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo như các dự án ĐDHSK, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đang gặp rất nhiều khó khăn; mặc dù nguồn vốn nhiều nhưng đối tượng tham gia học rất hạn chế.

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, với 3 chương trình đồng hành thực hiện với nhiều nguồn vốn, dự án, tiểu dự án tạo nên hệ thống gồm nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện cũng như các thông tư hướng dẫn sử dụng vốn sự nghiệp thực hiện cho từng chương trình khác nhau. Trong khi đó, đội ngũ công chức ở xã, thôn phải cùng lúc thực hiện nhiều việc và nhiều nhiệm vụ khác nhau, nên việc tiếp thu, hướng dẫn xây dựng dự án, mô hình... chưa có nhiều kinh nghiệm, gây lúng túng cho việc triển khai khi phải nghiên cứu để thực hiện đúng quy định và tránh trùng lắp giữa các chương trình.

Nhằm đẩy nhanh việc thực hiện chương trình với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, khó đến đâu tháo gỡ đến đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương phải chủ động phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, phấn đấu cả năm phải giải ngân đạt 100% vốn được giao nhằm đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện đạt mục tiêu về giảm nghèo bền vững năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.

Theo đồng chí Hà Anh Quang cho biết thêm: Để thực hiện đạt mục tiêu trên, từ nay đến cuối năm các địa phương, cần phải phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan chuyên môn và từng cá nhân phụ trách, theo dõi chương trình cụ thể. Chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện, nhất là bám cơ sở, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn thực hiện các chương trình, dự án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Quá trình triển khai thực hiện cần tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hiệu quả chương trình; chủ động nguồn vốn đối ứng thực hiện, bảo đảm đầy đủ theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án gắn với hiệu quả giải ngân nguồn vốn. Khẩn trương hoàn tất hồ sơ phê duyệt, khởi công các dự án và triển khai thực hiện thanh, quyết toán các công trình, dự án khi có khối lượng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, không để dồn vốn vào cuối năm...