Ninh Phước: Phát triển giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Xác định phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh, mà còn kết nối giao thương giữa các địa phương, thời gian qua huyện Ninh Phước đã chỉ đạo các ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, lập quy hoạch phương án và đề xuất các tuyến đường ưu tiên để đầu tư.

Từ chủ trương trên, hằng năm ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện đã chủ động trong việc kêu gọi, huy động thu hút nguồn vốn của các doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với tốc độ phát triển khá nhanh.

Từ năm 2010 đến nay, thông qua các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn vay tín dụng, vốn huy động khác và nhân dân đóng góp, huyện Ninh Phước đã đầu tư trên 2.304 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông. Từ các nguồn vốn này, huyện đã bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng 5 cầu dân sinh tại các xã: Phước Thái, Phước Hậu, Phước Vinh, Phước Thuận và An Hải; xây mới, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông liên xã với chiều dài 57 km; 100% xã, thị trấn đều có đường ô tô đến trung tâm xã và lưu thông hàng hóa trên các tuyến, tạo thành mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, liên hoàn, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân trong và ngoài huyện. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Đường giao thông tại Trung tâm huyện Ninh Phước được đầu tư thông thoáng, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Văn Nỷ

Cùng với việc đầu tư phát triển các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn, huyện cũng đã tập trung phát triển hệ thống giao thôn nông thôn (GTNT) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được trên 117 km đường trục thôn và đường liên thôn; 124 km đường ngõ, xóm và 160 km đường nội đồng. Việc đầu tư phát triển GTNT trên địa bàn huyện không chỉ tạo điều kiện cho người dân vùng nông thôn đi lại thuận tiện, giao thương, trao đổi hàng hóa thuận lợi, mà còn góp phần giúp các thôn, xã hoàn thành tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí NTM.

Đơn cử như xã An Hải, dù còn nhiều khó khăn, nhưng xác định việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông phục vụ xây dựng NTM, những năm qua, địa phương đã chủ động trong việc huy động sức dân để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn. Đồng chí Hồ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: Những năm trước đây, trên địa bàn xã có nhiều tuyến đường đất, lầy lội vào mùa mưa, khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, xã xác định làm đường giao thông là một trong yếu tố quyết định đến sự phát triển KT-XH. Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, xã tập trung huy động nguồn lực, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tiêu chí này. Từ sự đồng thuận, người dân đã đóng góp ngày công và tiền để cứng hóa từng tuyến đường giao thông, nên nhiều tuyến đường trên địa bàn đã được mở rộng. Đến nay, trên địa bàn xã đã bê tông được nhiều tuyến đường với chiều dài 20,6 km; đường giao thông nội đồng được trên 13 km. Các tuyến đường sau khi được hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp bà con dễ dàng lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đi lại thuận tiện hơn.

Hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Phước Hải (Ninh Phước) được đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng chí Trần Văn Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ninh Phước, cho biết: Những năm gần đây, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã thay đổi rất nhiều. Qua thống kê, trên 75% và trên 90% tuyến đường GTNT đã được bê tông hóa. Tuy nhiên, việc đầu tư kết cấu hạ tầng GTNT ở trên địa bàn huyện vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh; một số tuyến đường giao thông dù đã xuống cấp nhưng chưa được tu sửa, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân. Để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo động lực cho phát triển KT-XH, thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, lập quy hoạch và đề xuất các tuyến đường ưu tiên để đầu tư; tập trung thực hiện đầu tư các tuyến đường GTNT cho các thôn, xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao và các tuyến đường đô thị thị trấn Phước Dân; tiếp tục kêu gọi các nguồn lực từ xã hội để đầu tư phát triển hệ thống giao thông cho các xã, thị trấn. Đồng thời, bố trí kinh phí bảo trì, duy tu, khắc phục các tuyến đường xuống cấp nhằm đảm bảo hệ thống GTNT được thông suốt, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của Nhân dân được thuận tiện hơn.