Cần tháo gỡ, giải tỏa công suất cho Nhà máy điện mặt trời trên địa bàn tỉnh

Thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 115/NQ-CP, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đánh giá sâu kỹ vùng, khu vực tiềm năng để lập quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo (NLTT); chủ động triển khai xây dựng các quy hoạch điện mặt trời (ĐMT), điện gió làm cơ sở trình bổ sung các nguồn năng lượng của tỉnh vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000MW; đồng thời, Chính phủ ưu tiên xây dựng đồng bộ lưới điện truyền tải, tích hợp các dự án điện gió, ĐMT vào hệ thống điện quốc gia theo Nghị quyết 115. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa cân đối được nguồn lực đầu tư các công trình truyền tải điện để giải phóng công suất 2.000 MW ĐMT trên địa bàn tỉnh ta.

Để kịp thời khắc phục tình trạng giảm phát các dự án, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với EVN, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan. Sau đó, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung dự án Nhà máy ĐMT quy mô công suất 450MW tại xã Phước Minh (Thuận Nam) vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và kết hợp với đầu tư trạm biến áp (TBA) 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đưa vào vận hành đồng bộ trong năm 2020 (Dự án 450MW), nguồn vốn thực hiện từ thành phần kinh tế tư nhân. Theo đó, UBND tỉnh đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục theo quy định và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) được lựa chọn là Nhà đầu tư thực hiện Dự án 450MW. Đây là dự án có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư hơn 12 ngàn tỷ đồng; trong đó, hạng mục TBA 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối 500kV, 220kV đấu nối hệ thống lưới điện quốc gia có giá trị đầu tư gần 2 ngàn tỷ đồng, được Nhà đầu tư tự thu xếp kinh phí đầu tư và bàn giao cho EVN/EVNNPT quản lý, vận hành với mục tiêu giải tỏa công suất các dự án NLTT trên địa bàn tỉnh. Đến nay, dự án đã đi vào hoạt động thương mại trên 1 năm, đóng vai trò quan trọng trong việc giải tỏa công suất thông qua TBA500kV và đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân với tổng quy mô công suất 1.800MW.

 

Kỹ sư Trungnam Group giám sát hoạt động của Trạm biến áp TBA 500kV Thuận Nam.

Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng TBA 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối có ý nghĩa quan trọng, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT Quốc gia; đóng góp quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy NLTT khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận, tránh tình trạng giảm phát gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trungnam Group cho biết, hiện nay doanh thu của Dự án 450MW chỉ xác định được một phần do giá bán điện dự án chỉ được xác định đối với phần công suất tạm tính thuộc quy mô 2.000 MW ĐMT (khoảng 277,88/450MW) theo Nghị quyết số 115/NQ-CP. Đối với phần công suất còn lại (172,12MW) của dự án hiện nay chưa xác định được bán điện cụ thể làm cơ sở thanh toán. Mặt khác, trong thời gian chờ bàn giao TBA 500kV Thuận Nam với giá 0 đồng cho Tập đoàn EVN theo yêu cầu của Bộ Công Thương tại văn bản số 517/BCT-ĐL ngày 21-1-2020 về việc hướng dẫn phạm vi đầu tư Dự án 450MW; Trungnam Group vẫn tham gia hỗ trợ truyền tải cho các dự án NLTT trên địa bàn tỉnh và chịu chi phí truyền tải cho Trạm biển áp 500KV Thuận Nam. Ngoài ra, theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên quan đến việc vận hành Nhà máy ĐMT 450MW Trung Nam - Thuận Nam kết hợp TBA 500kV Thuận Nam và các đường dây, EVN sẽ dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện (172,12 MW) cho đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá ĐMT đối với phần công suất nằm ngoài 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận. Việc này sẽ làm cho nhà đầu tư đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc thu xếp tài chính để trả nợ vay ngân hàng, cũng như bố trí nguồn kinh phí để vận hành, duy trì hoạt động của hệ thống truyền tải TBA 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối.

Trước vấn đề trên, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương xem xét không cắt giảm công suất, ưu tiên khai thác tối đa công suất Nhà máy ĐMT công suất 450 MW kết hợp với đầu tư TBA 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia, thực hiện theo chủ trương thống nhất của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất 172,12 MW chưa xác định giá, việc thanh toán phần sản lượng điện đã huy động sẽ được thực hiện sau khi cơ chế giá bán ĐMT được Chính phủ ban hành. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm ban hành quyết định sửa đổi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, bổ sung cơ chế giá bán điện 7.09 Uscent/kWh đối với phần công suất Nhà máy ĐMT ngoài phạm vi 2.000 MW tích lũy trên địa bàn tỉnh nhưng vận hành phát điện thương mại trước ngày 31-12-2020. Cho phép thực hiện thanh toán phần công suất đã được huy động và ghi nhận sản lượng của EVN.