Chung tay bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em (TE) luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như khuyết tật, mồi côi, TE nghèo để các em được cải thiện điều kiện sống, hòa nhập cộng đồng.

Toàn tỉnh có hơn 167 nghìn TE dưới 16 tuổ, để bảo vệ, chăm sóc TE, bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, các ngành, địa phương đã chủ động xây dựng và thực hiện nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực, lồng ghép với các mục tiêu, chỉ tiêu về TE trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để TE phát triển toàn diện; tổ chức các diễn đàn, sân chơi bổ ích để TE tham gia ý kiến. Đến nay, 100% TE dưới 6 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế; 98% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; TE ở nhóm đối tượng mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học, bị nhiễm HIV... được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Công tác bảo vệ, chăm sóc TE được cộng đồng xã hội ngày càng quan tâm hơn, triển khai đồng bộ các chương trình, dự án về bảo vệ chăm sóc TE. Trong năm 2021, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận thực hiện hàng loạt tin bài về công tác hỗ trợ TE khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TE tại cộng đồng… Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch, khuyết tật; Phối hợp với quỹ Bảo trợ TE Việt Nam kết nối nhà tài trợ công ty Bảo hiểm Daiichi Việt Nam trao tặng 200 suất học bổng cho TE có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, tổng trị giá hơn 200 triệu đồng; rà soát, lập danh sách hỗ trợ 5 TE bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 và TE mồ côi cả cha mẹ và mồ côi cha hoặc mẹ; tổ chức trao học bổng cho 70 em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó trong học tập… Tỉnh cũng đã triển khai mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ cơ bản cho TE bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và TE có hoàn cảnh đặc biệt tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh. Đến nay, gần 100% TE có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp.

Để tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc TE, tạo môi trường lành mạnh cho TE phát triển, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 861/KH-UBND triển khai thực hiện chương trình hành động vì TE giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Thông qua kế hoạch nhằm mục đích bảo đảm thực hiện các quyền TE, phát triển toàn diện TE nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho TE có hoàn cảnh đặc biệt và TE bị xâm hại, TE bị bạo lực. Nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi TE. Tỉnh đã đề ra một số mục tiêu cụ thể về bảo vệ TE, như: Giảm tỷ lệ TE có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số TE xuống dưới 4,5% vào năm 2025 và 3,5% vào năm 2030; 96% TE có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp vào năm 2025 và 98% vào năm 2030; giảm tỷ lệ TE bị xâm hại trên tổng số TE xuống dưới 4% vào năm 2025 và xuống dưới 3,5% vào năm 2030; phấn đấu 100% TE gặp thiên tai, thảm họa được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời…

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục về Luật Trẻ em, các chính sách đối với TE trong môi trường giáo dục và cộng đồng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm đảm bảo mọi TE đều được tiếp cận với các dịch vụ, chính sách, pháp luật bảo vệ TE, chăm sóc và giáo dục TE. Triển khai kịp thời các chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc TE đảm bảo thực hiện các quyền của TE; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ TE nhất là TE có hoàn cảnh đặc biệt; tăng cường rà soát, giám sát, can thiệp giúp đỡ TE bị bóc lột sức lao động, bị xâm hại; huy động tối đa các nguồn lực từ gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc chung tay hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với TE thuộc diện nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng TE phải bỏ học, lao động kiếm sống, vi phạm pháp luật, nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực, xâm hại; vận động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, gia đình, nhà trường và toàn xã hội chung tay xây dựng các công trình phúc lợi, giúp đỡ, hỗ trợ để mọi TE được sống, vui chơi, học tập và phát triển toàn diện trong những ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn.