Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVD-19 tỉnh họp đánh giá công tác phòng, chống dịch

Ngày 15-11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVD-19 của tỉnh tổ chức cuộc họp đánh giá công tác phòng, chống dịch. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Long Biên, Phan Tấn Cảnh, Lê Huyền.

Trong tuần qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 từ tỉnh đến cơ sở được tập trung triển khai quyết liệt. Tình hình dịch bệnh cơ bản tiếp tục được kiểm soát. Tổng số ca mắc trong tuần là 320 ca, giảm 34,1% so với tuần trước. Công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 được chỉ đạo quyết liệt, đạt tỷ lệ trên 98% dân số cần tiêm. Việc đầu tư máy móc, trang thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị COVID-19 được bổ sung, tăng cường; công tác bồi dưỡng chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao năng lực trong điều trị bệnh COVID-19 từng bước cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống dịch vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Còn phát sinh một ổ dịch mới ở một số địa phương. Việc tổ chức thực hiện thí điểm cách ly F0, F1 chưa có kinh nghiệm, còn lúng túng trong việc quản lý...

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, để tỉnh đạt được mục tiêu giảm cấp độ dịch từ cấp độ 2 xuống cấp độ 1, chuyển giai đoạn thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 sớm nhất có thể. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh 3 vấn đề cấp bách, cần quyết tâm thực hiện: Giảm quy mô dịch bệnh, giảm mức độ bệnh và giảm tử vong. Đối với công tác tiêm chủng, quyết tâm hoàn thành tiêm mũi 2 cho tất cả các đối tượng trên 18 tuổi đúng thời gian quy định. Việc thực hiện thí điểm quản lý, điều trị F1, F0 tại nhà cần hết sức cẩn trọng, vừa làm, vừa đánh giá, rút bài học kinh nghiệm, khắc phục lúng túng, hạn chế để có cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh. Quan tâm nâng cao năng lực y tế cơ sở; tầm soát, xét nghiệm. Đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là sử dụng phần mềm PC-COVID trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, truy vết trong phòng, chống dịch COVID-19.