Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh

Hoạt động sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp (DN) ở tỉnh ta đang từng bước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Để giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh (SXKD) vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục có những chính sách hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư với diễn biến phức tạp, khó lường, đã tác động nặng nề đến hoạt động SXKD của các DN. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 30-10, toàn tỉnh có 317 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 2.498 tỷ đồng, giảm 46% số DN lẫn số vốn đăng ký so cùng kỳ. Có 263 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 54,7%. Tổng số DN toàn tỉnh hiện có 3.789 DN và có 94 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có khoảng 90% DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đồng thời, có trên 11.000 hộ kinh doanh phải ngừng kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.

Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Khó khăn vướng mắc nổi lên đó là tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%, nặng nề nhất là ngành vận chuyển hành khách, hàng hóa, du lịch, lưu trú, ăn uống nhu cầu giảm đến 70-80%. Hoạt động dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, thương mại, du lịch, vận tải hành khách phần lớn phải ngừng hoạt động; ngành Du lịch trong quý III-2021 hầu như không phát sinh doanh thu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm; hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Dòng tiền vào bị thiếu hụt dẫn đến gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động SXKD. Do không phát sinh kinh doanh nên hầu hết các DN rất khó khăn trong việc trả lãi vay ngân hàng đúng hạn. Trong khi đó, các DN vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong thời gian tạm ngưng hoạt động.

Công ty TNHH May Tiến Thuận duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh trong đại dịch COVID-19. Ảnh: P.B

Nhằm sớm phục hồi hoạt động SXKD của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt thực hiện tháo gỡ khó khăn cho DN, chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp khôi phục kinh tế. Ông Lê Kim Hoàng cho biết thêm: Trên cơ sở phân tích dự báo, đánh giá tình hình cấp độ dịch và điều kiện bảo đảm an toàn dịch trong hoạt động SXKD, tỉnh cho phép DN từng bước mở rộng SXKD phù hợp với từng cấp độ dịch, nhất là ưu tiên cho các DN trong chuỗi cung ứng, sản xuất ngành hàng, chế biến nông, thủy sản, xuất nhập khẩu và sử dụng nhiều lao động. Mặt khác, chuyển hướng công tác phòng, chống dịch có trọng tâm, chỉ phong tỏa trong phạm vi hẹp, hợp lý khi có ca dịch trong một chuyền hoặc phân xưởng sản xuất. Ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng là người lao động của DN. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Xí nghiệp may Từ Tâm, xã Phước Hải (Ninh Phước) kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phát triển sản xuất.

Thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ DN, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đến nay toàn tỉnh đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm cho 18.756 lao động của 1.176 đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ cho 29.806 lao động tự do với số tiền 44,7 tỷ đồng; chi hỗ trợ 2.737 hộ kinh doanh trên 8,2 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 6,26 tỷ đồng chi trả lương cho 1.792 lao động; Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho 13.132 lao động với gần 32 tỷ đồng. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh kịp thời chỉ đạo rà soát, nắm bắt tình hình DN bị ảnh hưởng dịch COVID-19 để hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ; đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 49 DN với số dư nợ 219 tỷ đồng; tổng giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi đạt 39 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay bình quân từ 0,5-1,5% đối với các khoản vay phát sinh trước 15-7-2021 cho khách hàng là DN; doanh số cho vay mới đạt 13.720 tỷ đồng. Về hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân) và tiền thuê đất trong năm 2021 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 của Chính phủ, đã có 430 DN được gia hạn nộp tổng số tiền thuế và tiền thuê đất 129,3 tỷ đồng; miễn giảm thuế cho 8.896 hộ kinh doanh ngưng hoạt động 7,03 tỷ đồng; giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 trên 12,9 tỷ đồng; hoàn thuế giá trị gia tăng 400,24 tỷ đồng. Nhờ đó, trong 10 tháng, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định, sản xuất nông nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá; lĩnh vực công nghiệp cơ bản đã được khôi phục sản xuất và tăng trưởng trở lại, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10-2021 (IIP) tăng 13,5% so cùng kỳ. Dự kiến đến cuối năm 2021, tỉnh giữ được mục tiêu tăng trưởng GRDP 10-11% theo kế hoạch đề ra; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.950 tỷ đồng, vượt 1,3%.

Để khôi phục hoạt động SXKD của DN và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho DN. Cùng với đó, đẩy mạnh tăng độ phủ vắc xin phòng dịch COVID-19 toàn dân; tiếp tục ưu tiên tiêm đủ liều cho các đối tượng là người lao động của DN. Đồng hành cùng cộng đồng DN, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm “Sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với DN. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết hồ sơ cho DN; hỗ trợ DN đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới mô hình; khơi thông mọi nguồn lực thúc đẩy SXKD.