Cách mạng Tháng Mười Nga: Ánh sáng của tự do và chiến thắng

Cách đây 104 năm, ngày 7/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, đánh dấu sự thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở nước Nga.

Cuộc Cách mạng đã làm rung chuyển cả thế giới, phá vỡ mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng. Đây cũng là lần đầu tiên liên minh công nhân, nông dân, binh lính, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đã đồng loạt đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập ra Nhà nước Nga Xô viết-Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

V.I.Lenin với các chiến sỹ cách mạng trong Cung điện Smolny chiều 6/11/1917, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, đánh dấu sự thắng lợi của Chủ nghĩa Mác – Lê nin ở nước Nga. Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác – Lê nin con đường cứu nước duy nhất đúng cho dân tộc mình. Cách mạng Tháng Mười Nga chính là cách cửa mở ra chân lý đúng đắn về độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, khi đó đang chìm trong bóng tối của áp bức nô lệ khổ đau. Kể từ đó, cách mạng Việt Nam đã tìm ra ngọn đuốc dẫn đường, tiến tới kết thúc chuỗi ngày tăm tối của một dân tộc quật cường ở phương Đông.

Viết về Cách mạng tháng Mười Nga, Nhà thơ Tố Hữu đã dành những lời ngợi ca thật đẹp:"Cách mạng tháng Mười/Đảng Cộng sản Liên Xô từ đó/Với Lê-nin, làm lại loài người/Với Lê-nin, làm thế kỷ hai mươi/Trong đêm tối, mở chân trời hừng hực".

Lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin phát biểu trước người dân tại Petrograd năm 1917. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Mặt trời chói lọi chiếu sáng năm châu

Năm 1967, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết đăng báo Pravđa (Liên Xô), khẳng định: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế".

Khi cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại năm 1917 diễn ra, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam đang bế tắc về đường lối. Trong bối cảnh đó, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Trong hành trình này, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy chủ nghĩa Mác-Lê nin, nhận thấy ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười.

Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng (ảnh), Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Năm 1920, sau khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê nin đăng trên Báo L’Humanité (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra "cẩm nang thần kỳ" cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Khi nói về sự kiện này, Người nhớ lại: "Luận cương của Lê nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta".

Trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần viết về Cách mạng Tháng Mười Nga và Lênin. Người coi đó là một nội dung quan trọng, là bài học cơ bản trong việc đào tạo cán bộ, chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức tiến tới thành lập Đảng. Trong cuốn "Bản án chế độ thực dân Pháp" (1925), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành phần 4 trong chương XII viết về Cách mạng Tháng Mười Nga dưới tiêu đề "Cách mạng Tháng Mười Nga với các dân tộc thuộc địa". Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" (1927), Hồ Chí Minh cũng viết một phần riêng về Cách mạng Tháng Mười Nga dưới tiêu đề "Lịch sử cách mạng Nga". Người nhấn mạnh: "Chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để nhất, vì nó đem lại tự do, bình đẳng, hạnh phúc thật sự cho nhân dân lao động và còn giúp đỡ cho các dân tộc bị áp bức làm cách mạng để tự giải phóng".

Thực tiễn đã chứng minh những nhận định về Cách mạng Tháng Mười Nga của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác-Lê nin luôn được vận dụng sâu sắc và trở thành "kim chỉ nam" cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn, từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân chịu cảnh lầm than, áp bức, nô lệ, nước ta đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Thắng lợi ấy đã minh chứng cho một quan điểm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: "Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc".

Tình hữu nghị bắt nguồn từ cuộc cách mạng lịch sử

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tiếp Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô Kliment Voroshilov thăm Việt Nam, ngày 20/5/1957. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chính sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã gắn bó Cách mạng Việt Nam với Cách mạng Tháng Mười, gắn bó tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc giữa hai dân tộc Việt Nam và Liên bang Xô Viết, nay là Liên bang Nga.

Hơn 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Liên bang Nga và năm 2022 hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hai nước đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp nối xứng đáng truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc.

Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình do Liên Xô giúp đỡ, khởi công tháng 11/1979, khánh thành tháng 12/1994. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Hợp tác Việt - Nga đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Với nền tảng là tình cảm tốt đẹp giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ chính trị Việt - Nga có độ tin cậy cao, với trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, trong đó có cấp cao, diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác toàn diện giữa hai nước. Nhiều cơ chế phối hợp đã được xác lập và hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực từ ngoại giao, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, thương mại, đầu tư và khoa học, giáo dục, giao lưu nhân dân.

Các dự án đầu tư của Nga đã có những đóng góp quan trọng cho xã hội Việt Nam, trong đó, đáng chú ý là Liên doanh dầu khí Vietsovpetro. Trong ảnh: Giàn công nghệ trung tâm số 2 của mỏ Bạch Hổ thuộc Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Hợp tác kinh tế Việt - Nga có bước phát triển đáng kể. Mặc dù đại dịch COVID - 19 đã gây nhiều tác động tiêu cực tới hoạt động ngoại thương toàn cầu nói chung cũng như của Việt Nam và Liên bang Nga, hợp tác thương mại Việt Nam – Liên bang Nga vẫn đạt được những bước phát triển tích cực trong năm 2020. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2020 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu từ Liên bang Nga sang Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, tăng 42,9%; nhập khẩu hàng hóa của Liên bang Nga từ Việt Nam tăng đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng 6,9%. Năm 2021, thương mại Việt Nam – Liên bang Nga tiếp tục tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước 7 tháng đầu năm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Nga đạt 924 triệu USD, tăng 13,3%; xuất khẩu của Việt Nam đạt 28,1%. Dự kiến trong năm nay, thương mại song phương Việt Nam – Liên bang Nga sẽ đạt mức khoảng 6,5 tỷ USD.

Lượng du khách Nga vào Việt Nam ngày càng tăng. Nga trở thành nước đứng đầu châu Âu và xếp thứ 6 về số lượng khách thăm Việt Nam nhiều nhất, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Tiên Minh/TTXVN

Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân giữa hai nước đang ngày càng phát triển, thể hiện sức sống mạnh mẽ của tình hữu nghị anh em thân thiết, thủy chung, sâu sắc giữa nhân dân hai nước với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, giao lưu hữu nghị ở cả hai nước.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, cả truyền thống và phi truyền thống như đại dịch COVID-19, các vấn đề khu vực và thế giới..., việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, cũng như đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Với những thành quả to lớn đạt được trong hơn 70 năm qua, với nền móng vững chắc từ Cách mạng Tháng Mười Nga lịch sử và chủ nghĩa Mác-Lê nin chân chính, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga sẽ ngày càng được củng cố và phát triển, vượt qua mọi thách thức và khó khăn, xứng đáng với truyền thống hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, hợp tác, phồn vinh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Theo TTXVN/Báo Tin tức