Tranh cử thật sự dân chủ, bình đẳng đúng pháp luật

(NTO) Vừa qua, Ủy ban MTTQVN các cấp trong tỉnh tổ chức cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp tiếp xúc cử tri tại 666 điểm; trong đó đại biểu Quốc hội là 23 điểm, đại biểu HĐND tỉnh là 70 điểm, đại biểu HĐND các huyện, thành phố là 136 điểm, đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn là 437 điểm.

Tranh cử thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri là việc làm cần thiết để các ứng cử viên có cơ hội thể hiện mình trước nhân dân.

Tranh cử không chỉ là sinh hoạt chính trị xuất phát từ nhu cầu tự chứng minh năng lực của từng ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND, mà còn phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân thông qua lá phiếu bầu cử. Sự tương tác thông qua đối thoại giữa người ứng cử với từng cử tri, thậm chí giữa các ứng cử viên với nhau trong tranh cử là cọ xát cần thiết nhằm làm sáng tỏ phẩm chất năng lực của người có ý định dấn thân vào cơ quan quyền lực của nhà nước vì lợi ích đất nước và các địa phương. Tránh tình trạng cử tri tham gia bầu cử nhưng lại không quan tâm người được bầu là ai, có như vậy mới phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tranh cử thật sự cũng đồng thời đặt các ứng cử viên trúng cử phải chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, tạo động lực cho từng đại biểu tiếp tục hoàn thiện phẩm chất, năng lực của bản thân, hoàn thành trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Đó là biểu thị cao của tiến bộ xã hội với cơ chế hữu hiệu cho phép tìm kiếm lựa chọn người tài, tận dụng được “nguyên khí quốc gia” giảm từng bước hiện tượng bất cập “Đại biểu ngồi nhằm ghế” trong cơ quan quyền lực của Nhà nước các cấp

Hoạt động tranh cử sâu rộng vào đời sống xã hội còn khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân thông qua chính kiến trong từng lá phiếu, bảo đảm quyền lực nhà nước thật sự thuộc về chủ thể của nhân dân và việc nước thật sự là việc của dân đồng thuận trách nhiệm cùng gánh vác.