Tọa đàm phản biện dự thảo Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm

Ngày 31-8, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tọa đàm phản biện dự thảo Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tọa đàm. Tham dự có lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư; các chuyên gia, thành viên của Hội đồng tư vấn về kinh tế - xã hội.

Dự thảo Đề án được nghiên cứu và xây dựng với 4 nhóm nhiệm vụ và 6 giải pháp trong thực hiện việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, khả năng nắm bắt, tiếp cận nhanh và làm chủ những công nghệ hiện đại, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực cho 4 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, gồm: Năng lượng sạch, du lịch đẳng cấp, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế đô thị.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì buổi tọa đàm phản biện.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, thành viên Hội đồng Tư vấn đánh giá dự thảo đề án có kết cấu, bố cục rõ ràng, hợp lý, phù hợp với nhu cầu, thực tiễn phát triển của địa phương. Tuy nhiên, cần bổ sung, làm rõ một số vấn đề để dự thảo được hoàn thiện hơn, gồm: Cần có đánh giá cụ thể về thực trạng, quy mô, cơ cấu nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế trọng điểm; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giám sát thực hiện đề án; bổ sung, xây dựng các chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực, chế độ đãi ngộ thu hút nhân tài cho các ngành kinh tế trọng điểm...

Kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao những đóng góp ý kiến sâu sắc, tâm huyết của đại biểu cho dự thảo. Nhấn mạnh tầm quan trọng về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là các ngành kinh tế trọng điểm đối với sự phát triển của tỉnh nhà. Đồng chí yêu cầu Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu và điều chỉnh để Đề án khi được ban hành, triển khai sẽ phát huy tính hiệu quả cũng như tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.