Sa Nhân

Mô tả cây

Sa nhân là loại cỏ có thể cao tới 2-3m, gần giống cây riềng nhưng thân rễ không phát triển thành củ như riềng. Lá xanh thẫm, mặt nhẵn bóng, dài 15-35cm, rộng 4-7cm. Hoa màu trắng đốm tía, mọc thành chùm ở gốc, từ rễ nảy ra một mầm, ngọn mang hoa gần sát mặt đất, mỗi gốc 3-6 chùm hoa, mỗi chùm có 4-6 hoa. Quả là một nang 3 ngăn, đậu vào tháng 5, chín vào tháng 7-8, hình trứng to nhất bằng đầu ngón tay cái, trung bình bằng đầu ngón tay giữa. Mặt ngoài vỏ có gai rất đều, không có cái cao cái thấp, kẽ gai cũng đều nhau, bóp mạnh sẽ tự vỡ thành 3 mảnh. Hạt sa nhân dính theo lối đinh phôi trung trụ. Mùa hoa tháng 4-5.

Công dụng và liều dùng

Sa nhân là một vị thuốc kích thích và giúp sự tiêu hóa, thường dùng làm gia vị và chế rượu mùi.

Sa nhân có vị cay, tính ôn, vào các kinh tỳ, thận và vị, có tác dụng hành khí, điều trung, hòa vị, làm cho tiêu hóa được dễ dàng. Dùng trong những trường hợp đau bụng, đầy bụng, ăn không tiêu, tả lỵ.

Hiện nay ngoài công dụng như trên, sa nhân được xuất sang một số nước dùng làm gia vị.

Liều dùng hàng ngày 1-3g dưới dạng thuốc viên, thuốc sắc.

Đơn thuốc có sa nhân trong đông y

Răng đau nhức: Ngậm sa nhân

Chữa ăn uống không tiêu, nôn mửa, bụng đầy: Sa nhân 4g, mộc hương 6g, chỉ thực 6g, bạch truật 4g, các vị tán nhỏ, dùng nước sắc bạc hà nấu với gạo làm hồ viên thành viên, mỗi viên nặng 0,25g, ngày uống 2-3 viên.