Tin kinh tế tổng hợp

* Giá vàng sáng 29/7 tăng 150.000 đồng/lượng

Cụ thể, lúc 8 giờ 43 phút, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,65- 57,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giữ nguyên giá vàng SJC so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 56,6 - 57,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC cũng được giữ nguyên so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 56,6 - 57,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

* Tỷ giá trung tâm sáng 29/7 giảm 6 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 29/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.212 VND/USD, giảm 6 đồng so với hôm qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.908 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.515 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại sáng nay, giá USD giảm mạnh và giá Nhân dân tệ (NDT) biến động trái chiều.

Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank giảm 40 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 22.840 - 23.070 VND/USD (mua vào - bán ra).

Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.467 - 3.612 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 5 đồng ở chiều mua vào và giảm 12 đồng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.

* Quỹ vaccine có hơn 8.400 tỷ đồng, một doanh nghiệp tư nhân ủng hộ 100 tỷ đồng

Theo Kho bạc Nhà nước, số huy động vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 tính đến 17 giờ ngày 28/7 là 8.345 tỷ đồng (bao gồm ngoại tệ quy đổi). Nếu tính cả số tiền một số đơn vị cam kết, đang làm thủ tục chuyển khoản, Quỹ sẽ có thêm 107 tỷ đồng.

Chiều 28/7, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 số tiền 100 tỷ đồng. Đây là hành động thiết thực, mang lại giá trị nhân văn, góp phần sát cánh cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

* Công ty Vissan sẽ phục hồi nguồn cung thịt lợn sau 3 ngày

Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh trong chiều 28/7, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi liệu nguồn cung thịt lợn cho người dân có bị thiếu hụt, khi công ty chuyên cung cấp thịt lợn lớn như Vissan phải tạm đóng cửa vì dịch bệnh?

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thông thường nguồn cung thịt lợn cho TP Hồ Chí Minh là 10.000 con/ngày. Trong những ngày qua, lượng tiêu thụ giảm nhiều, chỉ còn mức 5.000 - 6000 con/ngày, có ngày chỉ còn 4.500 con. Hiện nay, nguồn cung thịt lợn cho người dân thành phố ngoài công ty Vissan, còn có những nhà cung cấp khác như có Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, CP, Masan, CJ, Anh Hoàng Thy…

“Sản lượng của công ty Vissan trong những ngày qua chiếm khoảng 10% thị phần. Ngoài công ty Vissan còn có các nhà phân phối khác và các hệ thống bán lẻ hiện đại đã làm việc, tăng tiếp nhận nguồn hàng từ các nhà phân phối khác để bổ sung nguồn cung thịt lợn kịp thời cho người dân khi công ty Vissan đóng cửa. Mặt khác, Vissan đang tích cực đàm phán với các đối tác để có nguồn cung bổ sung, dự kiến trong vòng 3 ngày sẽ phục hồi được nguồn hàng như trước”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.

Theo ông Phương, công ty Vissan đóng cửa không ảnh hưởng quá lớn đến nguồn cung thịt lợn cho cả thành phố, mà chủ yếu vướng ở kênh phân phối hiện đại. Tuy nhiên, công ty Vissan còn có nguồn dự trữ thịt lợn đông lạnh tương đối lớn, có thể cung cấp cho các hệ thống phân phối để thay thế lượng hàng giết mổ “nóng” tạm gián đoạn trong thời gian này.

* Đề xuất shipper được hoạt động giao nhận hàng hóa thiết yếu

Liên quan đến hoạt động shipper, giao nhận, ngày 27/7, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có cuộc họp để bàn các giải pháp hỗ trợ lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đồng thời, có phương án hỗ trợ các hộ nông dân phân phối nông sản, đặc sản địa phương lên các sàn thương mại điện tử.

Để tháo gỡ khó khăn trong khâu lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, một trong những đề xuất đã được Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đưa ra là duy trì đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) ở cả các địa phương trong vùng dịch nhằm đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là cần cho phép hoạt động các shipper có sự quản lý và chịu trách nhiệm về phòng chống dịch của các doanh nghiệp như: doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ… Điều này nhằm đảm bảo rằng các shipper tham gia hoạt động giao nhận bưu gửi, hàng hóa thiết yếu bảo đảm tuân thủ các quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, tại Hà Nội, ngay sau khi UBND Thành phố quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố trong 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 17 của UBND Thành phố. Dịch vụ Grab, Gojek, be đã dừng toàn bộ hoạt động tại Hà Nội.

* Bộ Công Thương ra công văn khẩn thống nhất về danh sách hàng hóa thiết yếu

Ngày 27/7, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thống nhất về danh sách hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Các loại rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ quả là hàng hóa thiết yếu.

Theo Bộ Công Thương, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, một số nội dung của Chỉ thị nhất là khái niệm hàng hóa thiết yếu còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu.

Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND cấp tỉnh, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với môt số nhóm mặt hàng thiết yếu gồm: Nhóm thực phẩm; Nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bao gồm các mặt hàng như sắt thép, phân bón, thuốc bảo vê thực vật, thức ăn chăn nuôi.

Cùng với đó là nhóm nhiên liệu, năng lượng như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Bộ Công Thương chỉ rõ, danh mục sản phẩm, thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ như thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế có: nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng, phụ liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; Dụng cụ, vật liệu bao gói, chức đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…

Các sản phẩm, nhóm sản phẩm, thực phẩm hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Ngũ cốc, ngũ cốc đã sơ chế; Thịt và các sản phẩm (thịt thịt tươi, ướp đá, đông lạnh, phụ phẩm ăn được của gia súc, gia cầm, đồ hộp, hun khói hoặc sản phẩm phối chế có chứa thịt như giò, chả, pate…); Thủy sản và sản phẩm thủy sản (thủy sản tươi sống, sơ chế, sản phẩm chế biến từ thủy sản và phụ phẩm thủy sản làm thực phẩm, rong biển…).

Cùng với đó là các loại rảu, củ quả và sản phẩm rau, củ quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và sản phẩm từ mật ong, muối, gia vị (nước xốt, tương, nước chấm…), đường, chè, cà phê, ca cao, hạt tiêu, hạt điều và các nông sản thực phẩm khác như hạt hướng dương, hạt bí, măng, mộc nhĩ, tố yến…

Một số sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương như: Nước giải khát, sữa chế biến (không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý), các loại sữa dạng lỏng, sữa dạng bột, kem sữa,bơ, pho mát và các sản phẩm khác từ sữa chế biến…

Cùng với đó là các loại dầu, bột và tinh bột, bánh, mứt kẹo (bánh quy ngọt, mặn hoặc không ngọt, mặn; bánh mỳ nướng….

* Google bắt buộc tất cả nhân viên tiêm vaccine ngừa COVID-19

Ngày 28/7, tập đoàn công nghệ Google thông báo tất cả các nhân viên của tập đoàn bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi trở lại văn phòng làm việc.

Với thông báo này, Google trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên tại Mỹ thực hiện chính sách trên trong bối cảnh số ca nhiễm và nhập viện vì COVID-19 đang tăng cao do sự lây lan nhanh chóng của biến thể delta trong khi tốc độ tiêu chủng lại chậm lại trong những tuần vừa qua tại Mỹ.

Trong một thông báo, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai cho biết: "Bất kỳ ai đến làm việc trong khuôn viên của chúng tôi sẽ cần phải tiêm phòng. Chúng tôi sẽ triển khai chính sách này ở Mỹ trong những tuần tới và sẽ mở rộng sang các khu vực khác trong những tháng tới".

Theo ông Sundar Pichai, tiêm chủng là một trong những cách thức quan trọng nhất để giữ cho bản thân và cộng đồng khỏe mạnh trong thời gian tới.

Ngoài ra, ông Pichai cũng thông báo Google sẽ kéo dài chính sách làm việc tại nhà cho các nhân viên ở tất cả các văn phòng trên toàn cầu cho đến ngày 18/10. Tập đoàn này trước đó đã lên kế hoạch mở lại văn phòng cho nhân viên vào giữa tháng Chín.

Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden cho biết chính quyền của ông đang cân nhắc khả năng bắt buộc tất cả các nhân viên liên bang phải tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Những yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 đang tăng vọt trên khắp nước Mỹ trong những tuần gần đây do tốc độ lây lan nhanh chóng của biển thể Delta. Nhiều chuyên gia y tế công cảnh báo Mỹ đang thụt lùi trong cuộc chiến chống đại dịch.

* Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia tăng trưởng âm lần đầu tiên sau 17 năm

Theo Cơ quan Thống kê Malaysia (DOSM) ngày 28/7, tốc độ tăng trưởng năm 2020 của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở nước này là âm 7,3%, đánh dấu mức suy giảm lần đầu tiên trong 17 năm.

Trong thông báo phát đi ngày 28/7, DOSM cho biết, tốc độ tăng trưởng của SME ở Malaysia (Ma-lai-xi-a) thường cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, trong năm 2020, lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng của SME (âm 7,3%) thấp hơn tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là âm 5,6%. Thông báo cho biết thêm năm 2020, đóng góp của SME đối với GDP cũng giảm xuống còn 38,2%, tạo ra giá trị gia tăng tương đương 512,8 tỷ ringgit (123,2 tỷ USD). Trong khi đó, năm 2019 đóng góp của SME đối với GDP là 38,9%, tạo ra giá trị gia tăng tương đương 553,5 tỷ ringgit (130,7 tỷ USD).