Vượt khó, đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế

Trong tháng 5, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng gặp nhiều khó khăn. Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục được giữ ổn định.

Cụ thể, đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh đã thu hoạch lúa vụ đông - xuân, năng suất bình quân ước đạt 67,5 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt 117,3 nghìn tấn, tăng 47% so cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra. Trong vụ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 557,2 ha, vượt 17,9% kế hoạch, trong đó, chuyển đổi trên đất lúa 376,95 ha, đất khác 180,25 ha. Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát; công tác bảo vệ rừng được tập trung chỉ đạo quyết liệt; tiếp tục thực hiện chăm sóc 1.688,69 ha diện tích rừng trồng phòng hộ, đặc dụng đang trong giai đoạn đầu tư.

Diêm dân thu hoạch muối. Ảnh tư liệu

Về sản xuất công nghiệp, mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một số sản phẩm công nghiệp chế biến có gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, nhưng nhìn chung chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tỉnh tăng 25,53% so cùng kỳ năm 2020. Tính chung trong 5 tháng đầu năm, chỉ số IIP tăng 42,05% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,73%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 72,15%. Các dự án năng lượng tái tạo được tập trung đẩy nhanh tiến độ nên sản lượng điện tiếp tục phát huy công suất, duy trì mức tăng trưởng cao. Hoạt động thương mại dịch vụ, tiếp tục ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.224,2 tỷ đồng, tăng 9,23% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt 10.928,3 tỷ đồng, tăng 18,62% so với cùng kỳ, bằng 39,7% kế hoạch. Về đầu tư phát triển, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Tập trung chỉ đạo 4 công trình trọng điểm: Dự án hồ chứa nước Sông Than; Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án Tp.Phan Rang - Tháp Chàm; Dự án Đường đôi vào thành phố (đoạn phía Nam); Dự án Xây dựng Kênh chuyển nước Tân Giang - Sông Biêu); tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục các dự án trọng điểm; tăng cường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án điện gió, các dự án hạ tầng truyền tải điện. Ước giải ngân trong tháng 5, đạt 270 tỷ đồng bằng 19,3% kế hoạch giao. Trong tháng có 24 doanh nghiệp thành lập mới, tính chung 5 tháng có 174 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2020 và 53 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,6%; 101 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm trước. Với những cố gắng trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, toàn tỉnh thu ngân sách đạt 430 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 270 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu đạt 160 tỷ đồng; tính chung 5 tháng đạt 1.820 tỷ đồng..

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Coopmart Thanh Hà. Ảnh: Phan Bình

Trong thời gian tới, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg; Thông báo số 168-TB/TU của Tỉnh ủy; Công điện số 2628/CĐ-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới; toàn tỉnh tập trung quyết liệt, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chủ quan lơ là trong phòng, chống dịch, gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ trong quý II, tạo cơ sở hoàn thành nhiệm vụ cả năm 2021. Theo đó, toàn tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế như:

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tập trung chỉ đạo sản xuất vụ hè-thu 2021 gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển cánh đồng lớn; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; phòng, chống cháy rừng trong mùa khô; quan thâm tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp. Lĩnh vực đầu tư-phát triển, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án năng lượng, du lịch, khu đô thị, khu kinh tế trọng điểm phía Nam, hạ tầng truyền tải điện, cảng tổng hợp Cà Ná. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 bảo đảm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng trong phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách; phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách quý II-2021. Đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là phục vụ các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách của tỉnh như: Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án Tp.Phan Rang - Tháp Chàm; Dự án Đường đôi vào Tp. Phan Rang- Tháp Chàm (đoạn phía Nam); Dự án Xây dựng Kênh chuyển nước Tân Giang - Sông Biêu...

Để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế trọng tâm nêu trên, các ngành, các cấp, địa phương cần kịp thời đề ra các giải pháp đồng bộ, nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo hướng nhanh và bền vững. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, địa phương.