Hiệu quả từ mô hình cộng đồng bảo vệ rừng, gắn với phát triển sinh kế

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai nhiều chính sách, dự án bảo vệ rừng (BVR), đặc biệt là chính sách giao khoán BVR cho các tổ cộng đồng (TCĐ). Nguồn lực từ chương trình được các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương đầu tư cho người dân chăn nuôi gia súc, trồng rừng thay thế bằng cây ăn trái…tạo thêm thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.

TCĐ thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại (Bác Ái) nhận giao khoán BVR của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu với diện tích 709 ha. Các hộ dân ở đây đã dựng lán, chòi thay phiên nhau trực 24/24 giờ để bảo vệ rừng phòng hộ. Với số tiền nhận BVR 400 ngàn đồng/ha/năm đã mang đến cho các hộ có khoản thu nhập để ổn định cuộc sống. Để tạo sinh kế cho các hộ dân trong TCĐ, đơn vị chủ rừng đã vận động các thành viên trích lại 60% tiền nhận BVR để mua bò phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, sau gần 4 năm thực hiện mô hình chăn nuôi dưới tán rừng, 24 thành viên của TCĐ thôn Tà Lú 2 mua được 9 con bò cái sinh sản. Đến nay, số bò của các thành viên đã sinh sản từ 1 đến 2 con, nâng tổng số đàn lên 19 con. Qua đó, giúp người dân có điều kiện phát triển sinh kế bền vững. Anh Katơr Nghiệp, thành viên TCĐ thôn Tà Lú 2, cho biết: Tôi tham gia vào tổ BVR được nhận bò để chăn nuôi, qua đó giúp mình có thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình và gắn với công tác BVR. Hiện nay, toàn bộ bò của các hộ trong TCĐ đều sinh trưởng tốt.

Đàn bò của Tổ cộng đồng thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại chăn nuôi dưới tán rừng sinh trưởng tốt.

Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu quản lý trên 40.272 ha rừng ở địa bàn 2 huyện: Bác Ái và Thuận Bắc. Để làm tốt công tác quản lý BVR gắn với tạo sinh kế bền vững cho người dân, năm 2017 đơn vị đã thực hiện việc giao khoán BVR cho 29 TCĐ nhận khoán BVR hơn 20.000 ha. Hộ tham gia nhận rừng khoán quản nhận được khoảng 12 triệu đồng/năm. Để sử dụng đồng tiền đúng mục đích, đơn vị chủ rùng hướng dẫn các TCĐ dùng 40% tiền nhận rừng khoán quản chi trả cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng và 60% dùng để mua bò và dê cho các thành viên. Qua đó, tạo sinh kế cho các thành, nâng cao thu nhập, giảm áp lực xâm hại tài nguyên rừng. Anh Katơr Phan, Tổ trưởng TCĐ thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại, cho biết: Từ khi nhận khoán BVR, thành viên trong tổ có nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, trong TCĐ còn trích lại tiền để mua bò và dê chăn nuôi dưới tán rừng. Hiện nay đàn bò và dê của TCĐ đã được gần 30 con, thành viên torng tổ có ý thức, trách nhiệm hơn trong công tác trồng, chăm sóc và BVR, không còn tình trạng xâm lấn rừng như trước.

Ông Dương Văn Tuấn, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu, cho biết: Thời gian qua, việc giao rừng khoán quản cho các TCĐ không những giúp đơn vị chủ rừng giải quyết được những khó khăn trong công tác quản lý, BVR do thiếu hụt nhân lực, mà còn huy động được sức mạnh tập thể trong việc ngăn chặn nạn phát rừng vừa tạo được sinh kế cho người nghèo.

Mô hình BVR gắn với tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn huyện Bác Ái không chỉ giúp bà con nâng cao đời sống mà còn góp phần vào bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững.