Bí thư chi bộ thôn điển hình trong học tập và làm theo Bác

Hơn 3 nhiệm kỳ làm Bí thư Chi bộ thôn Phú Nhuận, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), ông Đào Trung Tích (ảnh) luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào của địa phương... là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông Tích chia sẻ, để học tập và làm theo gương Bác, trước hết bản thân ông luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào do địa phương phát động. Chính vì vậy, ngoài thời gian làm công tác xã hội, ông lại bắt tay vào tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi bò vỗ béo có tổng đàn hơn 20 con, trồng táo phủ lưới trên diện tích gần 5 sào, 1ha lúa... trở thành một trong những nông dân làm kinh tế giỏi tại địa phương. Theo ông Tích, người đảng viên phải “Nói đi đôi với làm”, nếu đảng viên mà thuộc diện hộ nghèo thì khó mà tuyên truyền, vận động người dân vươn lên thoát nghèo, khi mình nói được làm được thì người dân mới tin tưởng, làm theo. Chính vì sự gương mẫu đó nên ông được nhân dân tin yêu, quý mến. Mới đây, ông được tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã Mỹ Sơn khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phú Nhuận là thôn thuần nông, thu nhập chính của người dân chủ yếu đều từ sản xuất nông nghiệp, để nâng cao thu nhập người dân trong thôn, ông cùng các hội, đoàn thể thôn tích cực vận động mọi người thay đổi cách nghĩ, cách làm, khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng đất đai để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể những năm gần đây, bà con đã chuyển đổi một số cây trồng ngắn ngày cho giá trị kinh tế thấp sang trồng cây lâu năm như táo. Nếu trước đây, bà con trồng táo theo cách làm truyền thống thường phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật, không màn che vườn nên đa số vào mùa thu hoạch bị ruồi vàng, sâu bệnh hại trái cho sản lượng thấp và với xu hướng người tiêu dùng ưa chuộng trái cây sạch, vì vậy từ khi được tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn đã nâng cao nhận thức, đổi mới cách làm, áp dụng trồng táo phủ lưới với tổng diện tích hơn 15ha cho năng suất và giá bán cao hơn so với cách trồng táo truyền thống. Đối với những hộ thiếu vốn đầu tư phủ lưới cho vườn táo, ông thành lập mô hình góp vốn xoay vòng với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng, giúp mọi người có vốn xoay sở sản xuất. Ngoài ra, với những diện tích đất trồng bắp, đậu kém hiệu quả, cũng được bà con mạnh dạn chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi bò vỗ béo, áp dụng phương pháp trồng cỏ tưới nước tiết kiệm với diện tích 70ha; hiện nay có trên 98% người dân sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa từ khâu làm đất đến thu hoạch... Từ đó, đời sống người dân từng bước được nâng lên, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 42 triệu đồng/năm, hiện trong thôn chỉ còn 19 hộ nghèo.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông đến từng nhà vận động nhân dân trong thôn đóng góp công sức, vật chất xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Mọi việc từ huy động sức dân đóng góp tiền, ngày công, vận động hiến đất đều được ông đưa ra bàn bạc trong mỗi cuộc họp thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng lợi”. Từ việc công khai minh bạch, nhiều hộ dân đã thấm nhuần lời dạy của Bác “luôn đặt lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân” tự nguyện đóng góp hàng trăm ngày công lao động, hiến hơn 1.700m2 đất xây dựng 3 tuyến đường giao thông nông thôn; 8 tuyến đường điện với chiều dài 3,5km, kinh phí vận động gần 100 triệu đồng.

Với sự đóng góp của mình trong công việc chung, nhiều năm liền ông Đào Trung Tích được Đảng bộ xã tặng Giấy khen là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; UBND huyện tặng Giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.