Những điều cử tri cần biết về Quốc hội và bầu cử đại biểu Quốc hội

Nguyên tắc “bình đẳng trong bầu cử”:

Là nguyên tắc nhằm đảm bảo để cho mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Nguyên tắc này được thể hiện trong các quy định của pháp luật về quyền bầu cử và ứng cử của công dân:

Mỗi cử tri chỉ đc ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú:

Mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử;

Mỗi cử tri được bỏ phiếu một phiếu bầu.

Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu thích đáng trong Quốc hội.

Nguyên tắc “bầu cử trực tiếp”:

Có nghĩa là công dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu, công dân trực tiếp bầu ra đại biểu của mình chứ không qua một cấp đại diện cử tri nào. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp đòi hỏi cử tri không đựoc nhờ người bầu hộ, bầu thay hoặc bằng cách gửi thư. Cử tri tự bỏ phiếu bầu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải đảm bảo phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và bầu.

Nguyên tắc “bỏ phiếu kín”:

Để đảm bảo khánh quan trong việc lựa chọn của cử tri, việc bầu cử Quốc hội được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín. Theo nguyên tắc này, cử tri bầu ai đều được đảm bảo bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong phòng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Quyền bầu cử:

Là một quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền đi bầu cử, người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam, và người mất năng lực hành vi dân xự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri để đi bầu cử.

Tuy nhiên, Luật bầu cử Quốc hội cũng quy định người bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật, người người mất năng lực hành vi dân sự nếu đến trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả tự do hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì có quền được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri. Ngược lại, người có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị toà án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù, bị bắt giam hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, thì uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xoá tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Quyền ứng cử: 

Là một quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ hai mươi tuổi trở lên có quyền ứng cử. Để được bầu làm đại biểu Quốc hội, người ứng cử còn phải bảo đảm những tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Cử tri căn cứ vào các tiêu chuẩn này để lực chọn bầu các đại biểu Quốc hội.

Cách tính tuổi để ghi vào danh sách cử tri:

Tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử và ứng cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ấn định. Trường hợp không có giấy khai sinh thì căn cứ vào sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử.

Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng, năm sinh (dương lịch) của năm trước đến ngày, tháng năm sinh (dương lịch) của năm sau.

Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày sinh và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ xác định quyền bầu cử và ứng cử.

(Theo tài liệu của Cục Thông tin Văn hóa cơ sở)
(Xem tiếp kỳ sau)