Thêm rào cản trong vấn đề hạt nhân Iran

Giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran đã vấp phải thêm một rào cản với việc Iran đưa vào hoạt động các máy ly tâm tiên tiến làm giàu urani, đồng thời loại trừ khả năng tham gia đàm phán nếu Mỹ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Iran loại trừ khả năng tham gia bất kỳ cuộc đàm phán “trực tiếp hoặc gián tiếp” với Mỹ nếu Washington từ chối dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh ngày 10-4-2021. Theo ông Khatibzadeh, Iran và Mỹ có thể đàm phán trở lại sẽ phụ thuộc vào việc Washington có quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (có tên gọi chính thức là “Kế hoạch hành động chung toàn diện” - JCPOA) hay không. Cho đến khi đó, hai nước sẽ không tiến hành đàm phán “trực tiếp hoặc gián tiếp”. Ngoài ra, Iran và nhóm P4+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) cũng như Liên minh châu Âu (EU) đang phối hợp để xác định danh sách đầy đủ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ cần thực sự dỡ bỏ.

Bên trong một cơ sở hạt nhân ở miền Nam Iran.

Trước đó cùng ngày, Tehran thông báo đã bắt đầu đưa vào hoạt động các máy ly tâm tiên tiến làm giàu urani với tốc độ nhanh hơn, cụ thể là 164 máy ly tâm IR-6 và 30 máy ly tâm IR-5 tại nhà máy làm giàu urani Natanz. Các máy ly tâm IR-5 và IR-6 sẽ giúp làm giàu urani với tốc độ nhanh hơn và với số lượng lớn hơn so với các máy ly tâm thế hệ đầu tiên của Iran - loại duy nhất mà Tehran được phép sử dụng theo JCPOA. Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ phục vụ mục đích hòa bình. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi hôm 9-4 cho biết nước này sẽ không ngừng hay thậm chí giảm tốc độ các hoạt động hạt nhân hiện tại, đặc biệt là việc làm giàu urani lên mức 20% tinh khiết. Hoạt động này sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được thỏa thuận, theo đó Mỹ sẽ tự nguyện dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt chống Iran.

Giới phân tích đánh giá rằng hiện có rất nhiều rào cản lớn đối với việc đưa ra một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề hạt nhân Iran. Ba trong số những rào cản đó là: Đảm bảo rằng Iran tuân thủ việc thu hẹp chương trình hạt nhân của mình; nhất trí về việc Mỹ nên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế nào; và ai nên hành động trước. Cả Mỹ và Iran đều không kỳ vọng các cuộc đàm phán hiện nay sẽ tạo bước đột phá. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Iran đều nói rằng họ muốn hồi sinh JCPOA. Tuy nhiên, vấn đề ngăn cản họ là việc ai sẽ thực hiện những bước đi đầu tiên - hay đưa ra những nhượng bộ trước - để đạt được mục tiêu này. Thực tế cho thấy không bên nào muốn hành động trước và đó là một điểm mấu chốt quan trọng.

Urani được làm giàu đến 20% được coi là "làm giàu cấp độ cao", nhưng nó vẫn còn rất lâu mới đạt đến mức làm giàu 90% cần thiết để làm vật liệu hạt nhân chế tạo bom. Iran sau đó đã tiến gần hơn một chút - nhưng vẫn chưa thực sự chạm ngưỡng - đến mức độ thực sự có đủ nguyên liệu để chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã giới hạn khả năng làm giàu urani của Iran ở mức 3,67% và cấm nước này dự trữ hơn 300 kg nguyên liệu. Để thỏa thuận được tiến hành, Mỹ sẽ muốn Iran chứng minh rằng họ đã ngừng làm giàu urani ở mức cao như vậy và họ đã giảm lượng nguyên liệu dự trữ về mức quy định trong các điều khoản của thỏa thuận năm 2015. Điều đó sẽ yêu cầu các thanh sát viên quốc tế xác minh sự tuân thủ của Iran thông qua các hoạt động như tiếp cận camera bên trong một số cơ sở hạt nhân nhất định hoặc thậm chí trực tiếp tới thăm các địa điểm, điều cần thời gian để tiến hành.

Năm 2015, Iran cùng nhóm P5+1 - gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức - đã ký JCPOA. Đổi lấy việc Iran ký kết thỏa thuận, các cường quốc hứa hẹn sẽ chấm dứt mọi lệnh trừng phạt đối với Iran và cho phép nước này nối lại hoàn toàn thương mại dầu mỏ. Iran đã cam kết cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đến nước này, tiếp cận những cơ sở diễn ra hoạt động khai thác plutoni và làm giàu urani. Thỏa thuận đã có những tác động khác, đặc biệt đối với mối liên kết giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Iran, cơ hội ổn định khu vực Trung Đông cũng đã tăng lên. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đột ngột rút khỏi JCPOA và khôi phục các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Sau bước đi quyết liệt và đầy rủi ro này, EU - cùng với Pháp, Đức và Anh - đã trở thành trung gian hòa giải cố gắng tìm cách cứu vãn thỏa thuận. Mỹ vẫn duy trì quan điểm từ chối trở lại thỏa thuận và thậm chí còn gây sức ép để các nước thành viên còn lại rút khỏi JCPOA và tiến tới đàm phán thỏa thuận mới.

Theo TTXVN