Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Những ngày vui xuân, vui Tết đã qua, người dân tỉnh nhà lại lục tục bắt tay vào công việc năm mới. Nhiều người thường nói thực sự vui nhất của Tết là thời gian chuẩn bị trước đó, khi ấy nhà nhà đi mua sắm từ mứt, kẹo, bánh trái đến nếp, thịt, hoa cảnh và trang hoàng nhà cửa, tạo nên không khí hân hoan tràn ngập sắc màu. Để có đủ hàng hóa phục vụ người dân, bên cạnh sự chăm lo tổ chức của nhiều ngành, nhiều cấp, không thể không nhắc tới Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nhìn lại năm qua, dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cộng với thời tiết khắc nghiệt (hạn hán đầu năm, bão lũ cuối năm) nhưng tỉnh ta vẫn tổ chức được các hội chợ, phiên chợ, các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, giúp người tiêu dùng có cơ hội tìm hiểu, nhận biết các mặt hàng sản xuất trong nước và sản phẩm của các vùng miền. Cụ thể đã tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi với 135 gian hàng của 65 lượt doanh nghiệp (DN) tham gia, thu hút 12.700 lượt khách tham quan, mua sắm với doanh thu khoảng 700 triệu đồng. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, chương trình chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động. Theo đó, việc tổ chức các chương trình triển lãm, hội chợ, phiên chợ… ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. DN, các cơ sở sản xuất được tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích phát triển sản xuất, mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất những sản phẩm đặc trưng và dần hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu cho hàng Việt.

Người dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) tham quan mua sắm tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Ảnh: H.L

Theo đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã phối hợp tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, lồng ghép việc thực hiện Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực trong các tầng lớp nhân dân. Trước thời điểm người dân rộn ràng mua sắm dịp Tết Tân Sửu, trong năm 2020 tỉnh ta đã xây dựng mới 3 điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”) và đặc thù của tỉnh như: Nho, táo, tỏi, rong sụn, măng tây, nước mắm, dê, cừu, dệt thổ cẩm và gốm, nâng tổng số đến nay trên địa bàn tỉnh lên 6 điểm bán hàng OCOP và 1 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt”. Cụ thể đó là các điểm bán hàng tại khu du lịch Vĩnh Hy; chợ đêm Phan Rang; khu du lịch tháp Po Klong Garai; Điểm dừng chân Thiên Thảo, quốc lộ (QL) 1A (Ninh Phước); khu du lịch Hang Rái-Vườn Quốc gia Núi Chúa; tại Sở Khoa học và Công nghệ và Điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt” tại Công ty CP lương thực Nam Trung Bộ. Tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức hội nghị kết nối cung cầu Chương trình OCOP, theo đó có 69 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP và 19 chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm OCOP tại khu du lịch tháp Po Klong Garai. Ảnh: Văn Nỷ

Đặc biệt qua triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã hỗ trợ 10 cơ sở, DN của tỉnh tham gia 3 hội nghị kết nối cung cầu, đã có 14 biên bản hợp tác kinh doanh được ký kết với các DN. Thông qua hoạt động hỗ trợ trên, đã giúp cho các hàng hóa, sản phẩm đặc thù, tiềm năng của tỉnh được quảng bá đến với người tiêu dùng. Phối hợp tổ chức thành công 2 Hội chợ (Hội chợ Xuân Ninh Thuận 2020, Hội chợ Công Thương và sản phẩm OCOP Ninh Thuận 2020). Hỗ trợ và triển khai thông tin về các hội chợ tại các tỉnh, thành phố đến 44 lượt DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, thực hiện công tác quản lý thị trường, đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, các lực lượng chức năng thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện 688 vụ việc vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại…

Đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong năm 2021, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt và tăng cường tuyên truyền Kết luận số 264-TB/TW ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị, Kết luận số 107-KL/TW, ngày 10-4-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động trên. Theo đó, MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyền truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam, làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu và coi việc dùng hàng Việt là nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc. Các sở, ban, ngành tăng cường hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình quảng bá hàng Việt; đẩy mạnh các biện pháp quảng bá sản phẩm OCOP và đặc thù gắn với khai thác du lịch.