Ngành Nông nghiệp đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV vào cuộc sống

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi để từng bước trở thành ngành sản xuất chính, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu và phát triển du lịch, tiếp tục xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước là những nhiệm vụ trọng tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. Đây là những định hướng lớn, quan trọng, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung nên các cấp, các ngành, nhất là ngành Nông nghiệp đã cụ thể hóa và đề ra những giải pháp phù hợp, thiết thực để thực hiện có hiệu quả.

Trang trại hoa lan tại thôn Lâm Bình, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) được đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Duy Linh

Để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV vào cuộc sống, ngay đầu năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, tập trung tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và phương thức, bảo đảm phù hợp với từng cấp, từng đối tượng. Tập trung hoàn thành tham mưu các đề án để cụ thể hóa Nghị quyết, phấn đấu trong quý I hoàn thành Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, toàn ngành tập trung nguồn lực để triển khai hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế. Trước mắt, năm 2021 tập trung hỗ trợ ứng dụng nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, hệ thống thủy canh, VietGAP, nông nghiệp hữu cơ cho một số đối tượng cây trồng như: Nho, táo, dưa lưới, măng tây xanh. Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có lợi thế, tiết kiệm nước gắn với chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu chuyển 1.500 ha theo hướng tăng tỷ trọng cây trồng có giá trị kinh tế cao, tiết kiệm nước; duy trì 30 chuỗi liên kết, phát triển mới 3 đến 5 liên kết giữa doanh nghiệp và các đối tác như hiệp hội, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Người dân Phước Tiến (Bác Ái) phát triển mô hình trồng dưa lưới, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: D.L

Đối với nhiệm vụ tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, ngành Nông nghiệp chú trọng triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, với các nội dung chính: Hình thành vùng chăn nuôi tập trung; duy trì và mở rộng 4 liên kết chăn nuôi gắn với giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hoạt động hiệu quả, xây dựng 1 đến 2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao; tập trung cải tạo giống gia súc có sừng và phòng, chống hiệu quả dịch bệnh.

Lĩnh vực thủy sản, tập trung tổ chức lại nghề khai thác hải sản hoạt động hiệu quả đúng quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế. Từng bước phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm; tổ chức nuôi trồng thủy sản, sản xuất tôm giống bền vững, hiệu quả. Phối hợp với Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, lập quy hoạch và đầu tư xây dựng mở rộng khu vực giống công nghệ cao An Hải (Ninh Phước) với quy mô 200 ha.

Theo đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT, để đạt được mục tiêu trên, yêu cầu đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Căn cứ điều kiện thực tế, nhất là những lợi thế của địa phương cụ thể hóa thành những chương trình, đề án để triển khai thực hiện phù hợp, hiệu quả. Trong đó, coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nhằm khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cho nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thực tế cho thấy, không thể phát triển bền vững trên nền tảng sản xuất nông nghiệp thiếu quy hoạch, do đó việc quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn tạo điều kiện ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất phải đi trước một bước. Trong khảo sát, quy hoạch chú ý tới từng đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp, bảo đảm tập trung, thuận lợi cho quá trình cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đưa đất trống vào sử dụng, chuyển đổi các diện tích đất canh tác cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để tiêu thụ trên thị trường. Ảnh: Văn Nỷ

Nhìn nhận vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao là không thể thiếu, nên các hoạt động đẩy mạnh, cải thiện xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Trong giai đoạn mới, ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh tập trung tối đa nguồn lực điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ hợp tác xã trở thành động lực quan trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; mở rộng quy mô phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Triển khai thực hiện các mô hình phục tráng giống đặc sản địa phương; tổ chức sản xuất giống chất lượng tại một số địa bàn, phù hợp điều kiện tự nhiên, đặc tính sinh học cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung là chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay, vì vậy rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân. Với quyết tâm cao của ngành Nông nghiệp, các địa phương trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020- 2025, tin rằng sản xuất nông nghiệp sẽ tạo đột phá mới đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội cua tỉnh trong giai đoạn mới.