Cảnh báo về tội phạm liên quan đến vaccine COVID-19

Từ đầu tháng 12-2020, một loạt nước trên thế giới đã bắt đầu công bố triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đẩy lùi đại dịch. Động thái này đã tạo tâm lý tích cực trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, việc các nước tuyên bố triển khai các hoạt động liên quan tiêm phòng vaccine diện rộng cũng đang làm dấy lên những lo ngại về việc các băng nhóm tội phạm lợi dụng có thể bán vaccine COVID-19 giả hoặc đánh cắp nguồn cung vaccine COVID-19.

Các nước đẩy nhanh chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19

Từ nhiều tháng qua, các công ty dược phẩm trên thế giới đã chạy đua với thời gian để tìm ra vaccine ngừa COVID-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau một thời gian đồng loạt nghiên cứu, sản xuất vaccine chống dịch, hiện có khoảng 51 vaccine phòng COVID-19 đang được thử nghiệm trên người, 13 trong số này đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn. Trong khi đó, còn khoảng 163 vaccine đang được nghiên cứu và phát triển tại các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.

Hồi tháng 8-2020, Nga đã chấp thuận khẩn cấp vaccine Sputnik-V trước khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn ba. Ngày 2-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu giới chức y tế bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà vaccine. Theo Tổng thống Putin, Nga sẽ sản xuất hơn 2 triệu liều vaccine Sputnik-V trong những ngày tới. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, đến nay, hơn 100.000 người đã được tiêm vaccine Sputnik-V do Nga sản xuất.

Trong khi đó, Anh ngày 2-12 đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine COVID-19 của hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech của Đức. Ngày 8-12, Anh đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà cho người dân, đánh dấu bước quan trọng trên con đường chấm dứt đại dịch đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới. Người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Anh là cụ bà Margaret Keenan, người sẽ bước sang tuổi 91 vào tuần tới, tại Bệnh viện Đại học Coventry. Cụ Keenan cũng đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và hãng dược phẩm BioNTech của Đức bào chế.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng việc sớm triển khai tiêm chủng ngừa vaccine lần này sẽ giúp kiềm chế làn sóng dịch bệnh. Các nhân viên y tế Anh cũng coi vaccine là “ánh sáng cuối đường hầm” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên toàn thế giới. Anh đã đặt mua 40 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, vốn sẽ đủ cho 20 triệu người trong tổng số 67 triệu dân Anh. Trong tuần đầu tiên, Anh được bàn giao 800.000 liều. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hy vọng sẽ có hàng triệu người dân nước mình sẽ được tiêm vaccine trước lễ Giáng sinh. Ông cho biết Anh sẽ nhận thêm hàng triệu liều vaccine trước cuối năm nay.

Kế hoạch đưa vaccine vào sử dụng đại trà tại Anh cũng được xem như một phép thử đối với mạng lưới phân phối vaccine của Pfizer/BioNTech. Trước đó, Pfizer thông báo đã hoàn tất thử nghiệm vaccine COVID-19 BNT162b2, đạt hiệu quả 95%, không để lại tác dụng phụ đáng kể. Ngoài Pfizer, hãng dược Moderna của Mỹ cuối tháng 11-2020 vừa qua cũng đã nộp đơn yêu cầu các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19. Hãng này đã báo cáo vaccine của họ hiệu quả 94,5%. Hiện cả Moderna và Pfizer/BioNTech đều đã đăng ký để EU phê duyệt quyền sử dụng khẩn cấp.

Sau Anh, Bahrain và Canada đã là nước thứ hai và thứ ba phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và BioNTech trong vòng 1 tuần qua. Người phát ngôn của Pfizer phụ trách thị trường Canada cho biết thỏa thuận với Canada cho phép nước này mua tổng số lên tới 76 triệu liều vaccine.

Ngoài ra, chính phủ Phần Lan cũng thông báo đã nhất trí chiến lược quốc gia về việc tiêm phòng COVID-19 cho tất cả người dân. Theo đó, từ tháng 1-2021, nước này sẽ tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhân viên y tế được lựa chọn. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế nước này đã thông báo kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 vào cuối tháng 12-2020 nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch. Một số quốc gia châu Âu khác như Ðức, Na Uy, Tây Ban Nha... cũng đồng loạt thông báo về kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.

Tại New York (Mỹ), nơi đang là điểm nóng về bùng phát đại dịch của nước Mỹ và toàn cầu, Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết đợt vaccine đầu tiên đến bang là sản phẩm của hãng dược Pfizer phối hợp hãng BioNTech SE bào chế sẽ ưu tiên phân phối cho các viện dưỡng lão. Ðợt thứ hai là vaccine của hãng Moderna dự kiến sẽ tới New York vào khoảng cuối tháng 12. Tại Mexico, Bộ Y tế nước này cho biết sẽ tiếp nhận lô vaccine đầu tiên của hãng Pfizer, với 250 nghìn liều trong tháng 12 này và ưu tiên cung cấp cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Theo các chuyên gia, triển vọng về việc hàng triệu người bắt đầu được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong vài tuần tới đang là động lực tạo ra tâm lý tích cực trên phạm vi toàn cầu.

Nguy cơ tội phạm liên quan đến phân phối vaccine

Trong bối cảnh các nước trên thế giới bắt đầu triển khai nhiều hoạt động liên quan tiêm phòng vaccine COVID-19 trên diện rộng, nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về việc các băng nhóm tội phạm có thể bán vaccine COVID-19 giả hoặc đánh cắp nguồn cung vaccine COVID-19.

Ngày 2-12 vừa qua, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã ban bố báo động cao tới lực lượng cảnh sát của 194 quốc gia thành viên, cảnh báo nguy cơ tội phạm có tổ chức liên quan vaccine COVID-19. Tổng Thư ký Interpol Juergen Stock cho biết: “Khi chính quyền các nước trên thế giới đang chuẩn bị triển khai vaccine COVID-19, các tổ chức tội phạm cũng lên kế hoạch thâm nhập làm gián đoạn chuỗi cung ứng”.

Interpol cho rằng, trong bối cảnh nhiều nước tái mở cửa, cho phép dịch vụ hàng không và du lịch quốc tế hoạt động trở lại, dẫn tới nhu cầu xét nghiệm gia tăng, nhiều khả năng tổ chức tội phạm sẽ sản xuất và cung cấp các bộ xét nghiệm COVID-19 giả hoặc chưa được cấp phép. Hồi tháng 7-2020, Interpol đã cảnh báo về sự gia tăng của các bộ kit xét nghiệm COVID-19 và những sản phẩm y tế giả, khi toàn thế giới gấp rút bảo đảm nguồn cung trong thời kỳ đại dịch.

Không chỉ vậy, Interpol cũng khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng khi tìm cách tiếp cận vaccine hoặc thiết bị y tế trực tuyến, bởi điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến họ trở thành nạn nhân của tội phạm mạng. Các mạng lưới tội phạm được cho là sẽ nhắm mục tiêu vào những người dân không cảnh giác thông qua các trang web giả và những phương pháp chữa trị sai lầm, có thể gây ra rủi ro đáng kể cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng của họ. Ngoài ra, Interpol thời gian qua xác định được khoảng 3.000 trang web dược phẩm trực tuyến bị nghi ngờ bán thuốc và thiết bị y tế giả, bất hợp pháp, trong đó có 1.700 trang sử dụng các mánh khóe để lừa đảo người dân cung cấp dữ liệu cá nhân hoặc chứa các phần mềm độc hại.

Interpol cho biết, hiện nhiều hãng dược phẩm, các bệnh viện và giới chức y tế của một số nước đang cất giữ vaccine COVID-19 ở những nơi bí mật và an toàn. Tuy nhiên, khi những lô vaccine được vận chuyển khắp toàn cầu thì sẽ trở thành miếng mồi của các tổ chức tội phạm. Khi một số vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm, sắp được phê duyệt và phân phối trên toàn cầu, Interpol yêu cầu các quốc gia cần phải đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng và nỗ lực truy tìm các trang mạng bán vaccine giả một cách bất hợp pháp là điều cần thiết.

Ngoài Interpol, Tập đoàn công nghệ IBM của Mỹ ngày 3-12 cũng cảnh báo rằng chuỗi cung ứng toàn cầu vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc, sau khi phát hiện hàng loạt vụ tấn công mạng nhằm vào một số công ty liên quan đến hoạt động phân phối vaccine trên toàn thế giới.

Mặc dù chưa gây thiệt hại lớn và chưa xác định được nhóm tin tặc nào đứng sau các vụ tấn công này, Cơ quan An ninh mạng và an ninh hạ tầng Mỹ cho rằng các tổ chức liên quan chuỗi cung ứng vaccine cần cảnh giác và thận trọng.

Theo TTXVN