Hội nghị trực tuyến toàn quốc giải ngân vốn đầu tư công- nguồn vay nước ngoài

Ngày 7-12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công-nguồn vay nước ngoài 11 tháng năm 2020. Tham dự tại điểm cầu tỉnh ta có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến 30-11 là 336.012,19 tỷ đồng, đạt 71,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỷ đồng); trong đó vốn nước ngoài là 20.586,26 tỷ đồng (đạt 40,21% kế hoạch). Tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong tháng 10 và tháng 11- 2020. Kết quả trên có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công; sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn…Tuy nhiên, còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết hiệp định và điều chỉnh các dự án ODA còn phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều dự án khi được triển khai không còn phù hợp, phải điều chỉnh, gia hạn; các quy định pháp luật về vốn ODA còn chưa đồng bộ, một số thủ tục còn phức tạp...

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tại điểm cầu tỉnh ta.

Để phấn đấu giải ngân hết số vốn ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần thúc đẩy triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân, đặc biệt đối với các dự án kết thúc năm 2020, 2021. Để thực hiện được, các bộ, ngành chủ dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Đối với các dự án không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao phải đề xuất cắt giảm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành xác định cụ thể là cắt giảm của dự án nào. Đồng thời, trong thời gian tới cần làm rõ dự án nào hoàn toàn không giải ngân được trong năm 2020, dự án nào chỉ giải ngân được một phần…Với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh thời hạn giải ngân, phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký và các điều chỉnh khác của hiệp định vay theo quy định, tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công…