Vai trò của RCEP với khu vực và thế giới

Sự kiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan do Việt Nam chủ trì, đã mở ra cơ hội mới cho hợp tác thương mại đa phương, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế khu vực cũng như thế giới vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Hành trình 8 năm của RCEP

Được ASEAN khởi xướng vào tháng 11-2012 tại Phnom Penh (Campuchia), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - Regional Comprehensive Economic Partnership) ban đầu là một thỏa thuận thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Mục đích của Hiệp định là thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn, tập trung vào các lĩnh vực thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.

Ban đầu, hiệp định RCEP đặt kỳ vọng khi được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng (45% dân số toàn cầu) và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Con số này được cho là lớn hơn nhiều so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vốn có hiệu lực vào cuối tháng 12-2018 (với khoảng 500 triệu dân và chiếm 13,5% GDP toàn cầu).

Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hoá thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác. Đặc biệt, trong bối cảnh tranh chấp giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn của Mỹ như Trung Quốc, EU, Canada, Nhật Bản... gia tăng, RCEP có thể đóng vai trò thúc đẩy đáng kể cho thương mại quốc tế.

Với những kỳ vọng đó, tiến trình đàm phán tiến tới ký kết hiệp ước thương mại tự do RCEP đã được bắt đầu vào tháng 5-2013. Ban đầu RCEP từng được kỳ vọng sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết trước năm 2015, hướng tới mục tiêu hình thành Hiệp định thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và khởi đầu cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA). Tuy nhiên, quá trình đàm phán đã gặp rất nhiều rào cản, trong đó có xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng thương mại leo thang khiến nhiều nước muốn từ bỏ chiến lược tự do hóa thương mại. Ngay trong nội bộ các thành viên cũng có sự khác biệt về xuất phát điểm và đàm phán phải đối mặt với nhiều bất đồng khó giải quyết, như vấn đề thuế quan. Các số liệu cho thấy nền kinh tế RCEP giàu có nhất có thu nhập quốc dân tính theo đầu người gấp tới 48 lần quốc gia nghèo nhất trong khu vực. Chính sự khác biệt trong các chính sách, lợi ích, chênh lệch trong năng lực cải cách và trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên, khiến quá trình đàm phán trở nên khó khăn và phức tạp dù tất cả đều hướng tới một hiệp định thương mại tự do toàn diện và đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Phải sau 28 vòng đàm phán và 16 cuộc họp cấp Bộ trưởng, đến hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tổ chức tại Thái Lan đầu tháng 11-2019, các nước tham gia RCEP mới đạt bước tiến quan trọng khi cơ bản hoàn tất tiến trình đàm phán về Hiệp định trên văn bản, cũng như cơ bản hoàn tất toàn bộ các cuộc đàm phán về vấn đề tiếp cận thị trường. Tại ASEAN 35, lãnh đạo các nước thành viên RCEP đã cam kết lùi thời hạn ký văn kiện này vào năm 2020 để thúc đẩy giao dịch thương mại khu vực, tạo điều kiện thuận lợi và tự do hóa cho các hoạt động đầu tư.

Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là chính tại Thái Lan, nơi các nhà lãnh đạo châu Á tuyên bố bước đột phá trên, chính thức khép lại đàm phán RCEP thì vào phút cuối Ấn Độ lại thông báo rút khỏi RCEP với lý do lo ngại về dòng sản phẩm Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá khi thâm nhập thị trường nước này. Lý giải cho việc rút lui khỏi RCEP, Thủ tướng Narendra Modi từng cho biết Ấn Độ không tham gia RCEP vì các cuộc đàm phán không giải quyết được các vấn đề nổi cộm và những quan ngại của New Delhi, chủ yếu liên quan đến vấn đề thuế quan. Ấn Độ do dự bởi quốc gia Nam Á này hiện có ngành nông nghiệp đóng góp 15% vào GDP và cung cấp việc làm cho 43% lao động (theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới). Việc giảm thuế quan hoặc các rào cản đầu tư có thể kiềm hãm khả năng phát triển của các ngành sản xuất trong nước của Ấn Độ, làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng thương mại, cũng như lo ngại của nước này vấn đề bảo vệ các lĩnh vực nông nghiệp và sữa.

Nhưng cho dù Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán vào tháng 11-2019, các nước thành viên vẫn để ngỏ cánh cửa đối với Ấn Độ và bày tỏ quyết tâm theo đuổi việc đạt được RCEP. Ngày 15-11-2020 đã đánh dấu mốc quan trọng khi Hiệp định RCEP được 15 nước (trừ Ấn Độ) đặt bút ký trong khuôn khổ của Hội nghị cấp cao ASEAN 37.

Động lực mới cho kinh tế khu vực và thế giới

Hiệp định RCEP có 20 chương, bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về Sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, và mua sắm của chính phủ. Để hiệp định có hiệu lực, ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác phải gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của hiệp định.

Một khi được thực thi đầy đủ, hiệp định toàn diện và chất lượng cao như RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, trong đó 15 thành viên của RCEP chiếm hơn 45% dân số thế giới, đóng góp khoảng 1/3 Tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu, 29,1% thương mại thế giới và 32,5% đầu tư toàn cầu. Ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%.

Đối với các nước thành viên, RCEP sẽ cắt giảm thuế quan và thiết lập các quy tắc trong khoảng 20 lĩnh vực, bao gồm các luồng hàng hóa xuyên biên giới. Ví dụ như với Nhật Bản, RCEP sẽ giảm bớt thuế quan cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy san so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản-Liên minh châu Âu (EU). RCEP cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với 61% hàng hóa nhập khẩu sang Nhật Bản từ các thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, cùng với 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc…

Còn đối với khu vực và thế giới, ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%. Sự đồng thuận trong việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng như những cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ sẽ tạo cơ hội để các nước thành viên tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, mở ra tiềm năng tiếp cận các thị trường mới, gắn kết vững chắc hơn trong một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, thay vì chỉ tập trung vào việc mở cửa thị trường song phương với các đối tác chủ chốt.

Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên cản trở toàn cầu hóa, RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tất cả các nước tham gia RCEP. Hiệp định RCEP sẽ góp phần tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững. RCEP được cho là sẽ củng cố chủ nghĩa đa phương cùng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực.

RCEP còn được cho là có sức ảnh hưởng đến động thái của các khối thương mại quan trọng khác. Chẳng hạn như, Liên minh châu Âu và Trung Quốc gần đây đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về Chỉ dẫn địa lý và đang nỗ lực để ký kết thỏa thuận thương mại song phương quan trọng nhất giữa hai bên từ trước đến nay, Hiệp định Toàn diện EU-Trung Quốc về Đầu tư (CAI). Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng tin rằng có thể trở lại bình thường với chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ mới nếu ông Joe Biden chính thức là tổng thống Mỹ và hướng tới hợp tác về biến đổi khí hậu, nền kinh tế kỹ thuật số và tự do hóa thương mại một lần nữa.

Nhưng đối với tất cả những vấn đề này, có lẽ sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để khắc phục những thiệt hại trong thời gian qua và điều này sẽ khiến kết quả của các cuộc đàm phán mới trở nên ít tham vọng hơn. Như Thủ tướng Cộng hòa Séc Babis đã phát biểu vào ngày 11-11 trong một hội nghị về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, rằng một "chủ đề rất quan trọng đối với toàn bộ châu Âu và EU là nhu cầu cấp thiết phải cải thiện mối quan hệ thương mại”. Đó là nỗ lực để tự do hóa mối quan hệ thương mại lẫn nhau và không cần phải tham vọng và toàn diện như hiệp định đã bị bỏ lỡ như TTIP (Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương), mà là thương mại và đầu tư lẫn nhau giữa Mỹ và châu Âu sẽ bắt đầu khởi sắc trở lại.

Theo cách này, RCEP có thể là động lực cho các hiệp định thương mại song phương và đa phương quy mô lớn hơn nữa. EU đã là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và của các đối tác RCEP. Do đó, khi RCEP được thực thi thì càng có nhiều lý do để thúc đẩy các thỏa thuận của EU nhằm tận dụng cơ hội ở Đông Á. Với ý nghĩa đó, RCEP đại diện cho một bước ngoặt lớn trong thương mại toàn cầu và được coi là hiệp định thương mại quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại.