Người lính “biệt động thành” năm xưa

Người lính Phạm Tất Thắng năm xưa dù tuổi cao nhưng vẫn giữ được tác phong của anh Bộ đội Cụ Hồ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc, trước nhân dân.

(NTO) Sinh năm 1948, quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Năm 1967, thanh niên Phạm Tất Thắng theo đoàn quân “Nam tiến” thuộc Tiểu đoàn 610 hành quân vào Ninh Thuận. Từng tham gia nhiều trận đánh lớn trong những ngày đầu gian khổ, ác liệt và sau này làm lính “biệt động thành” thuộc Đại đội 314 hoạt động trong lòng thị xã Phan Rang hết sức ngoan cường, góp phần giải phóng Ninh Thuận. Trở về với đời thường, người cựu binh năm xưa vẫn tiếp tục góp sức mình xây dựng quê hương Ninh Thuận - nơi mảnh đất mình từng chiến đấu và gắn bó.

Cựu chiến binh Phạm Tất Thắng chăm sóc cây cảnh.

Những ngày đầu tháng Tư, như đã hẹn chúng tôi tìm tới nhà cựu binh Phạm Tất Thắng. Bên chén trà ấm nóng, ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện một thời chiến tranh gian khổ: “Trong chiến đấu, Ninh Thuận là vùng đất xa Trung ương, “xa ngoài xa trong” nên rất thiếu thốn và đầy khó khăn. Từ suốt chặng đường hành quân, đến khi vào đóng quân trên núi ở Chiến khu Bác Ái ít khi anh em có một bữa cơm no. Vất vả nhất là sau này làm lính biệt động thành thì anh em tự kiếm cái ăn, cái mặc, chỉ tiêu mỗi tháng đánh một trận, với phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Một nắm bắp rang “thấm máu đồng đội” vẫn có thể đánh càn suốt 2 ngày. Vất vả là thế nhưng tất cả vẫn quyết tâm đánh giặc đến cùng”.

Một trong những trận đánh ác liệt mà ông không thể nào quên đó là trận ông cùng đồng đội tham gia đánh trụ Tháp Chàm ngày 8-4-1975 tiến tới giải phóng Ninh Thuận. Ông kể: “Đại đội đặc công của tôi sau thời gian chiến đấu ác liệt đến thời điểm này còn lại có 5 người, kết thúc trận chiến chỉ còn lại hai người. Thời điểm đó đánh giặc không hề sợ hy sinh, mục đích chính chỉ có đánh giặc giỏi để giải phóng đất nước, chỉ biết còn sống là còn chiến đấu, còn chết - được chết cho Tổ quốc là vinh quang”. Bản thân ông trong quá trình tham gia đánh giặc cũng bị thương 4 lần, hiện vẫn còn mảnh đạn trong người và là thương binh hạng 4/4.

Sau giải phóng tỉnh nhà và thống nhất đất nước, nghĩa tình với mảnh đất mà mình đã cùng đồng đội từng đổ máu hy sinh, ông quyết định ở lại Ninh Thuận và coi đây là quê hương thứ hai của mình. Mặc dù có thời gian ông được cử đi làm chuyên gia ở Campuchia, nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ ông lại trở về với mảnh đất Ninh Thuận. Về hưu năm 1987, được sự tín nhiệm của địa phương ông lại tiếp tục tham gia làm công tác Đảng tại phường Phủ Hà, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm. Và nhiều nhiệm kỳ được bầu làm Bí thư phường Phủ Hà, rồi làm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường cho đến năm 2007. Sau khi rời quân ngũ, người cựu binh từng tham gia giải phóng Ninh Thuận lại có 21 năm gắn bó tình nghĩa với địa phương và có nhiều công lao đào tạo lớp cán bộ trẻ trưởng thành. Với sự tín nhiệm cao, hiện nay ông đang tham gia đoàn Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tỉnh, với vai trò là trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân.

Ông tâm sự: “Trong chiến đấu cũng như trong công việc cần kiên quyết, thẳng thắn nhưng luôn sống biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Có như vậy mới tạo được uy tín, sự nể phục trong anh em để hoàn thành nhiệm vụ chung. Trong giáo dục lớp trẻ cũng phải có phương pháp, phân tích, diễn giải để họ tin và ủng hộ mình”.

Người lính Phạm Tất Thắng năm xưa dù tuổi cao nhưng vẫn giữ được tác phong của anh Bộ đội Cụ Hồ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc, trước nhân dân.