Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020

Ngày 31-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020; triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm học tiếp theo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đến dự.

Tại điểm cầu tỉnh ta, tham dự có đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT.

Năm học 2019-2020, ngành Giáo dục đã thực hiện tốt mục tiêu kép đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và hoàn thành kế hoạch năm học; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo sự nghiêm túc, khách quan, công bằng của kỳ thi. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2020 cơ bản ổn định, chất lượng được đảm bảo. Công tác triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) được quan tâm thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, bài bản, toàn diện trên toàn quốc. Công tác tiếp cận, phổ cập giáo dục các cấp học có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 2 và phổ cập THCS mức độ 1. Công tác giáo dục học sinh (HS) khuyết tật được quan tâm đúng mức. Chất lượng giáo dục dân tộc được nâng lên. Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ được thực hiện hiệu quả, nhất là những khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Chất lượng GDPT và giáo dục đại học tiếp tục được nâng lên và có nhiều cải thiện rõ rệt…

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Đối với tỉnh ta, ngành GD&ĐT cũng đã khắc phục khó khăn triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 đạt nhiều kết quả đáng khích lệ với 99,95% HS hoàn thành chương trình tiểu học; 99,79% HS tốt nghiệp THCS; 93,72% HS đỗ tốt nghiệp THPT; 17 HS đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa cấp quốc gia, tăng 9 giải so với năm học trước…

Định hướng chung giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục tập trung thực hiện Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; trong đó, đối với GDPT, triển khai thành công chương trình, SGK GDPT mới theo Nghị quyết 88/2013/QH13 của Quốc hội; đối với giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trong năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT chỉ đạo toàn ngành tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, các văn bản quy định chi tiết Luật Giáo dục năm 2019; rà soát các văn bản hiện hành để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhằm đảm bảo phù hợp với các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục năm 2019; rà soát chính sách và công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh việc triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới; chỉ đạo xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT; tiếp tục rà soát và đảm bảo các điều kiện thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, thực hiện kiện toàn Hội đồng trường theo thời hạn quy định…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã phát biểu làm rõ tình hình GD&ĐT tại các địa phương, đơn vị; đồng thời góp ý nhiều vấn đề quan trọng góp phần thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT ngày càng phát triển.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020. Đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục; Bộ GD&ĐT kiến nghị mạnh mẽ hơn về vấn đề tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên; tập trung hơn đến văn hóa trong giáo dục, vấn đề hội nhập quốc tế; tôn trọng, cầu thị tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân; đồng thời kiên trì, kiên định khi triển khai thực hiện đổi mới.

Nhằm động viên, chia sẻ với đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ, trước giờ khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi các đại biểu tham dự hội nghị và cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục ủng hộ, đóng góp chia sẻ khó khăn với nhân dân miền Trung.