Thuận Bắc: Qua 15 năm xây dựng và phát triển

Huyện Thuận Bắc được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1-10-2005. Qua 15 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Thuận Bắc đã đoàn kết, chung sức, chung lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, xây dựng quê hương Thuận Bắc ngày càng phát triển.

Về kinh tế, giá trị sản xuất các ngành đến năm 2020 ước đạt 6.163 tỷ đồng, tăng gấp 30,8 lần so với năm 2005. Trong đó, ngành Nông - Lâm - Thủy sản tăng gấp 11 lần; Công nghiệp- Xây dựng tăng gấp 100 lần và dịch vụ tăng 16,7 lần. Kinh tế nông thôn phát triển khá toàn diện, với giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng 21,6%; hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất được đầu tư xây dựng. Nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng và khai thác có hiệu quả như: Hồ Sông Trâu, hồ Ba Chi, đập Suối Bay, hồ Bà Râu... với tổng dung tích khoảng trên 50 triệu khối, tạo điều kiện cho các địa phương mở rộng canh tác, nâng diện tích gieo trồng trong toàn huyện lên 11.500 ha/năm, với sản lượng lương thực sản xuất bình quân hàng năm đạt trên 51.000 tấn. Một số mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng như: Mô hình cây măng tây xanh cho thu hoạch 13 ha, bình quân thu nhập 145 triệu đồng/ha/tháng; mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, với diện tích 1.248 ha, năng suất bình quân đạt 71 tạ/ha; mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây màu và cây ăn quả với quy mô 7,19 ha; mô hình trồng cây điều ghép tại 3 xã miền núi để đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân. Dự tính trong năm 2020, giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác vùng chủ động nước của huyện đạt 97 triệu đồng/ha. Trong chăn nuôi, chú trọng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đàn; huyện đã vận động nông dân từng bước hướng dần đến các mô hình chăn nuôi tập trung, khuyến khích nhân dân phát triển gia trại, trang trại, chọn lọc, lai tạo và nhân rộng các nguồn giống có giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã xây dựng được 2 thương hiệu sản phẩm đặc thù là “Heo đen và gà đồi Thuận Bắc”. Vị thế ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện ngày càng được khẳng định.

Nông dân Thuận Bắc thu hoạch lúa vụ hè - thu. Ảnh: VM

Về thương mại-dịch vụ- du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực; mạng lưới thương mại đã dần được phủ kín các vùng. Đến nay, đã có 4/5 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có chợ xã và chợ trung tâm huyện được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu mua sắm và trao đổi hàng hóa trong nhân dân. Hệ thống giao thông từ thôn đến xã, từ xã đến huyện và các vùng lân cận đã ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa các vùng miền. Đây cũng là tiền đề để địa phương phát huy các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên như: Suối Tiên, Ba Hồ, bãi tắm Bình Tiên... phát triển du lịch sinh thái, thu hút du khách gần xa.

Phát huy các tiềm năng lợi thế của địa phương, những năm qua huyện Thuận Bắc đã thực hiện cơ chế thông thoáng để mời gọi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Trong 15 năm qua, toàn huyện đã thu hút được 41 dự án đầu tư với tổng mức vốn đăng ký trên 30.000 tỷ đồng, trong đó đã có 30 dự án đi vào hoạt động. Riêng ngành năng lượng sạch (điện gió - điện mặt trời), với những dự án quy mô lớn như: Điện gió Đầm Nại, Điện gió, điện mặt trời Trung Nam, Điện mặt trời Xuân Thiện đã đi vào hoạt động, sản lượng điện thương phẩm khoảng 1,4 tỷ kWh/năm, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung và nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng như giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Hầu hết số hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn đều được hỗ trợ kinh phí xây nhà ở theo các chương trình 134, 167 của Chính phủ và từ các nguồn quỹ đóng góp của cộng đồng và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Điện lưới quốc gia đã phủ kín 100% địa bàn; tỷ lệ hộ nghèo từ 43,1% (năm 2005) đã giảm còn 18,72% (theo chuẩn mới) trong năm 2020. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên, mạng lưới trường, lớp được đầu tư, nâng cấp theo hướng kiên cố hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học cho giáo viên và học sinh. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao; mạng lưới y tế cơ sở và y tế dự phòng được tăng cường. Đến nay, đã có 6/6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 98%. Hệ thống chính trị ngày càng được kiện toàn; tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững..

Trong thời gian tới, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân huyện Thuận Bắc phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, làm tiền đề để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đưa Thuận Bắc ngày càng đi lên hòa cùng sự phát triển của tỉnh nhà.