Tăng trưởng GRDP của tỉnh trong 9 tháng cao nhất khu vực

Triển khai thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện đạt được “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ứng phó hiệu quả nắng hạn, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kết thúc 9 tháng năm 2020, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước đạt 14.874,3 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; riêng quý III năm 2020 đạt 15%, cao hơn 6 tháng đầu năm 8,5%.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận thi đua lao động tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Uyên Thu

Ông Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: So với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, Ninh Thuận là tỉnh đứng vị trí thứ nhất về tốc độ tăng trưởng GRDP. Trong mức tăng GRDP 9 tháng, ngành nông, lâm và thủy sản đạt 4.874,7 tỷ đồng, tăng 0,4%. Đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, tổng giá trị sản xuất 9 tháng đạt 4.408,6 tỷ đồng, tăng 48,9%. Trong đó, công nghiệp đạt 2.514 tỷ đồng, tăng 82%; xây dựng đạt 1.894,6 tỷ đồng, tăng 20%. Đặc biệt, ngành sản xuất và phân phối điện (chủ yếu các dự án năng lượng tái tạo) có nhiều chuyển biến tích cực, đã giải quyết cơ bản tình trạng giảm phát, đóng góp cao vào tăng trưởng chung của tỉnh với mức tăng 216,3%. Riêng điện sản xuất ước đạt 3.123,5 triệu kWh, so cùng kỳ tăng 66,7%. Trong đó, điện năng lượng tái tạo đã cung cấp sản lượng ước đạt 2.318,2 triệu kWh, cụ thể: điện gió 237,8 triệu kWh; điện mặt trời 2.080,4 triệu kWh. Riêng điện mặt trời mái nhà đang phát triển rất nhanh, sản lượng 9 tháng ước đạt 70 triệu kWh, tăng gấp 7 lần so cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng, giá trị ngành dịch vụ đạt 4.761,1 tỷ đồng, tăng 0,4% . Trong đó, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đạt 773,2 tỷ đồng, tăng 4,8%; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 507,2 tỷ đồng, giảm 13,6%... Trong khi đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2020 tăng 0,82% so với tháng trước, gồm khu vực thành thị tăng 0,88%, khu vực nông thôn tăng 0,76%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 5,75%. Trong mức tăng 0,82% của CPI tháng 9, so với tháng trước có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,37%; đồ uống thuốc lá tăng 0,23%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,19%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,53%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,01%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%; giáo dục tăng 5,63%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,26%. Có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, gồm: giao thông giảm 0,23%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,04%. Nhóm bưu chính viễn thông ổn định.

Theo phân tích của Cục Thống kê tỉnh, CPI tháng 9 tăng chủ yếu do giá lúa vụ hè-thu đang thu hoạch ở địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, lúa ở các huyện khác vẫn chưa thu hoạch, nguồn cung gạo thường giảm trong khi nhu cầu về sản xuất bún và bánh tráng từ mặt hàng gạo thường cao, cộng với nhu cầu xuất khẩu gạo tăng trong 8 tháng đầu năm đã đẩy giá gạo thường trên địa bàn tỉnh tăng cao với mức tăng 5,45% so với tháng trước; đặc biệt, giá điện tăng cao tới 10,21% do đã hết kỳ hạn gói giảm 10% giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cộng với nhu cầu sử dụng điện tăng trong tháng. Trong khi đó, từ 1-9 giá gas được điều chỉnh tăng 2.000 đồng/bình 12kg cũng tác động làm cho nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng so với tháng trước.

Cũng trong 9 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 81,7 triệu USD, tăng 10,5% so cùng kỳ năm 2019 và tăng 2,2% so kế hoạch năm (80 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu gồm: Thủy sản ước đạt 31,9 triệu USD, tăng 60,7% so cùng kỳ 2019; nhân điều ước đạt 28,8 triệu USD, giảm 35,3%; mặt hàng khác ước đạt 21,1%, tăng 2,2 lần. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Mỹ, Nhật, Canada, Đức, Pháp, Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Singapore...

 Công ty TNHH Thông Thuận vừa xuất khẩu tôm nước lợ vào thị trường Châu Âu
theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ảnh: Văn Nỷ

Về kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển, ước thực hiện 9 tháng năm 2020 đạt 25.438,9 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước đạt 1.264,5 tỷ đồng, chiếm 5% tổng vốn và tăng 38,1% so cùng kỳ; vốn trái phiếu chính phủ đạt 1.049,9 tỷ đồng, chiếm 4,1% và tăng 19,3% so cùng kỳ; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 20.626,5 tỷ đồng, chiếm 81,1% và tăng 45,6% so với cùng kỳ; khu vực đầu tư nước ngoài đạt 2.382,5 tỷ đồng, chiếm 9,4% và giảm 42,1% so với cùng kỳ. Nguồn vốn đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng chủ yếu do doanh nghiệp (DN) ngành năng lượng tái tạo đẩy nhanh đầu tư để kịp tiến độ thực hiện dự án theo cam kết nhằm hưởng giá thu mua điện ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ, giúp 9 tháng năm 2020 tăng 26,3% (tăng 5.302 tỷ đồng), chủ yếu tăng mạnh ở khu vực DN ngoài nhà nước thuộc lĩnh vực đầu tư nguồn năng lượng tái tạo.

Đáng chú ý là dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng trong 9 tháng năm 2020, số DN thành lập mới tăng khá, đến ngày 18-9, toàn tỉnh có 528 DN thành lập mới, với vốn đăng ký 3.821 tỷ đồng, tăng 33% số DN và tăng 13,4% vốn so cùng kỳ, trong đó phát triển mạnh ở lĩnh vực sản xuất, phân phối điện có 150 DN/1.705 tỷ đồng, tăng gấp 5,3 lần số DN và gấp 3,7 số vốn so cùng kỳ. Bên cạnh đó, trong 9 tháng có 59 DN quay trở lại hoạt động; 113 DN đăng ký bổ sung vốn điều lệ, với số vốn tăng thêm trên 7.757 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so cùng kỳ, nâng tổng số vốn DN đăng ký đưa vào hoạt động trong nền kinh tế trên 11.566 tỷ đồng.