Ngành Công nghiệp nỗ lực hoàn thành mục tiêu năm 2020

Trong tháng 8-2020, mặc dù tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chủ động trong công tác tham mưu, điều hành, triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, nhiều sản phẩm chủ lực của ngành Công nghiệp (CN) nội tỉnh vẫn tăng trưởng khá, góp phần đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) ước tăng 15,03% so với tháng cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 48,58% so cùng kỳ; trong đó: ngành khai khoáng tăng 35,74%; ngành chế biến, chế tạo giảm 7,81%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 130,39% và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 8,94%.

Đáng ghi nhận là trong 24 sản phẩm chủ lực của ngành CN, có 11 sản phẩm duy trì mức độ tăng trưởng khá, do chủ động nguồn nguyên liệu, năng lực đầu tư mới phát huy sản xuất. Cụ thể, đá xây dựng tăng 4,5% (do chuẩn bị đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam); muối chế biến tăng 13%; nước yến tăng 24,1%; sợi se tăng 24,1%; may mặc tăng 27,9%; các sản phẩm đầu tư mới như bao bì giấy nhờ phát huy năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường nên tăng 41,9%; phân vi sinh tăng 75%; xi măng tăng 29,8%; điện thương phẩm tăng 3,5%; nước uống tăng 10,8%. Riêng điện sản xuất đạt 387,3 triệu KWh, tăng 38,9% so tháng cùng kỳ; Tính chung 8 tháng điện sản xuất đạt 2.698,6 triệu KWh, tăng 68,5% so cùng kỳ; trong đó điện năng lượng tái tạo đóng góp 275,7 triệu KWh, cụ thể: điện gió 10,6 triệu KWh, điện mặt trời 265 triệu KWh, đây là sản phẩm chủ yếu làm tăng chỉ số sản xuất toàn ngành CN.

Công nhân Công ty TNHH Đầu tư - Phát triển - Sản xuất Hạ Long thu hoạch muối. Ảnh: Văn Nỷ

Về tình hình triển khai các dự án, công trình trọng điểm, trong tháng 8, có 3 dự án điện mặt trời đã vận hành (cấp COD), gồm: Điện mặt trời Phước Thái 1, công suất 40 MW; Điện mặt trời Thuận Nam 12, công suất 40 MW; Điện mặt trời Bầu Zôn công suất 20 MW, góp phần đưa công suất tăng thêm đạt 100MW; nâng tổng số dự án điện mặt trời đưa vào vận hành đến tháng 8-2020 là 28 dự án, tổng công suất 1.593 MW. Một số dự án điện mặt trời như: Phước Minh Adani, SP Infra 1 đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong quý III-2020; đồng thời các dự án hạ tầng truyền tải đang khẩn trương thi công và phấn đấu hoàn thành trong năm 2020 nhằm hoàn thành kế hoạch 2.000 MW và đảm bảo giải tỏa hết công suất các dự án điện gió, điện mặt trời hoàn thành trên địa bàn tỉnh theo chủ trương của Chính phủ.

Đối với tiến độ dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh kết hợp hạ tầng truyền tải đường dây và trạm biến áp 500kV, hiện dự án đang được Bộ Công Thương cho phép thử nghiệm từng phần công suất của công trình Nhà máy điện mặt trời 450MW phía 220kV nhằm mục đích thí nghiệm theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào vận hành với điều kiện không làm ảnh hưởng đến việc vận hành của các dự án nguồn điện khác trong khu vực.

Điện gió Đầm Nại (Thuận Bắc). Ảnh: Anh Tùng

Kết quả đạt được của ngành CN trong 8 tháng năm 2020 là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên đánh giá một cách toàn diện cho thấy, từ chiều ngược lại vẫn còn 9 sản phẩm đang gặp khó khăn về thị trường, nguồn nguyên liệu, nên sản lượng giảm so cùng kỳ. Trong đó, sản xuất muối biển ­đạt 25,9 nghìn tấn, giảm 12% so cùng kỳ; tôm đông lạnh đạt 550 tấn, giảm 10,6% so cùng kỳ; hạt điều nhân đạt 375,8 tấn, giảm 25,1% so cùng kỳ (thực hiện 8 tháng ước đạt 2.822,9 tấn, giảm 16,9% so cùng kỳ); gạch nung các loại đạt 5,5 triệu viên, giảm 28,7% so cùng kỳ (tính chung 8 tháng sản xuất ước đạt 46,1 triệu viên, giảm 25,9% cùng kỳ). Đặc biệt, bia đóng lon chỉ đạt 3,6 triệu lít, giảm 41,8%, tính chung 8 tháng bia đóng lon đạt 25,5 triệu lít, giảm 35,4% so cùng kỳ.

Theo kế hoạch, năm 2020, mục tiêu mà ngành CN tỉnh ta đề ra là phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất khoảng 8.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt từ 20-23%. Để hoàn thành mục tiêu trên, theo đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương, ngành tiếp tục bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động nắm bắt, thu thập thông tin, vận động doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để phát huy năng lực các sản phẩm hiện có. Mặt khác, đơn vị còn phối hợp các ngành, địa phương kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để các dự án điện gió, điện mặt trời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Phối hợp đơn vị tư vấn trình Phương án đấu nối Trung tâm điện lực LNG Cà Ná vào hệ thống điện quốc gia.

Ngoài các giải pháp kể trên, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường thúc đẩy việc đề xuất cập nhật tích hợp các nguồn năng lượng của tỉnh vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2045. Hoàn thành và báo cáo Bộ Công Thương về việc điều tra năng lực sản xuất công nghiệp. Theo dõi, đôn đốc đơn vị Tư vấn thực hiện Đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước” đảm bảo thời gian quy định.