Khủng hoảng chính trị Belarus và hậu quả tiềm tàng

Belarus hin ang ri vào khng hong chính tr sau bu c tng thng và tình trng bt n này c gii phân tích ánh giá là cha tng có tin l, xét theo tính cht nghiêm trng và nhng hu qu tim tàng.

Diễn biến khó lường

Tình hình Belarus đang vô cùng bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống hôm 9-8-2020. Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus công bố, Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%. Bà Tikhanovkskaya không công nhận kết quả này. Sau đó, nhiều cuộc biểu tình đông người đã diễn ra tại các thành phố và xảy ra đụng độ với cảnh sát. Hơn 6.700 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 120 nhân viên thực thi pháp luật.

Giữa bối cảnh ấy, Tổng thống Lukashenko ngày 31-8 đã thảo luận kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp. Đề xuất của Tổng thống Lukashenko chủ yếu tập trung vào việc cải cách hệ thống tòa án và bác bỏ những lời kêu gọi của phe đối lập quay trở lại hiến pháp năm 1994, thời điểm văn kiện này chưa được sửa đổi theo hướng tăng thêm quyền lực cho tổng thống. Tổng thống Lukashenko cho biết các chuyên gia pháp lý đang thảo luận về một số sửa đổi, trong đó hệ thống tòa án sẽ độc lập hơn. Tuy nhiên, theo ông, điều này là không cần thiết. Mặc dù khẳng định các tầng lớp dân cư trong xã hội đều có thể bày tỏ quan điểm và nguyện vọng của mình, nhưng ông Lukashenko cho rằng những người muốn sửa đổi hiến pháp chỉ là thiểu số. Trước đây, Tổng thống Lukashenko đã từng hai lần tiến hành trưng cầu ý dân, thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp, vào các năm 1996 và 2004.

Trước đó, ngày 28-8, Tổng thống Lukashenko đã chỉ thị một nửa quân đội của nước này đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu để đối phó với điều mà ông gọi là các mối đe dọa từ phương Tây. Tổng thống Lukashenko đề cập tới kịch bản “cách mạng màu” có sự can thiệp của yếu tố bên ngoài đang được sử dụng để chống lại đất nước Belarus. Ông Lukashenko đồng thời cũng lên án việc phương Tây ủng hộ phe đối lập Belarus trên phương diện quân sự, với bằng chứng là việc điều động quân đội các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến biên giới Belarus. Ông coi sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với phe đối lập là sự can thiệp trực tiếp vào tình hình ở Belarus.

Trong khi tình hình nội bộ Belarus diễn biến khó lường thì các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) lại đang chia rẽ về các biện pháp đối với cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này. Theo hãng tin AFP, EU đang lên danh sách các cá nhân ở Belarus bị phong tỏa tài sản hoặc cấm đi lại do có liên quan đến bất ổn tại nước này. Một số quan chức EU cho rằng danh sách này có thể bao gồm khoảng 20 nhân vật. Hiện danh sách cuối cùng vẫn chưa được thông qua chính thức, song cuộc họp của các ngoại trưởng EU đã bộc lộ những bất đồng giữa các nước về danh sách này khi nhiều nước kêu gọi tăng số người bị trừng phạt. Về phần mình, Tổng thống Lukashenko  tuyên bố sẽ đáp trả các nước áp đặt trừng phạt đối với Belarus, trong đó có thể cắt đứt tuyến đường vận chuyển hàng hóa. Liên quan đến việc ba nước Lithuania, Latvia và Estonia áp đặt lệnh cấm đi lại đối với Tổng thống Lukashenko và 29 quan chức khác của Belarus mà không đợi sự đồng thuận của các thành viên EU khác, Bộ Ngoại giao Belarus ngày 31-8 tuyên bố Minsk sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tương tự.

Bất ổn có nguy cơ lan rộng

Các nhà quan sát cho rằng, những bất ổn tại Belarus đã khiến châu Âu lo ngại. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27-8 thông báo Điện Kremlin đã thành lập một đơn vị cảnh sát đặc nhiệm để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Lukashenko trong trường hợp tình hình bất ổn vượt tầm kiểm soát. Lực lượng này sẽ được sử dụng khi các phần tử quá khích không còn núp bóng những khẩu hiệu chính trị nữa mà công khai vượt qua những giới hạn xác định và có hành động cướp bóc, đốt nhà, đập phá và chiếm giữ các văn phòng, trụ sở cơ quan hành chính... Việc triển khai lực lượng cảnh sát Nga nằm trong cam kết của Nga trong khuôn khổ Hiệp ước về Nhà nước liên minh và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể. Một số nguồn tin cho biết, một số quốc gia châu Âu đã đẩy mạnh quân sự hóa (là quá trình một xã hội chuẩn bị và cơ cấu cho xung đột quân sự và bạo lực; ngay khi có những tín hiệu bị đe dọa quân sự, chính phủ sẽ khởi động quá trình này) do hiệu ứng từ Belarus.

Tình trạng bất ổn với các cuộc biểu tình đang nhấn chìm Belarus do kết quả gây tranh cãi của cuộc bầu cử tổng thống hôm 9-8. Theo nhận định của giới phân tích, chiều hướng biểu tình với các nguy cơ tiềm tàng vẫn ngày một lớn mạnh trong khi giải pháp thương lượng giữa chính quyền Belarus với phe đối lập dường như không khả thi. Những vấn đề này khiến người ta không khỏi nghĩ đến điều được gọi là “cách mạng màu”, vốn không chỉ làm thay đổi chế độ mà còn tạo ra những sắp đặt lại về mặt địa chính trị. Mọi thứ có thể dễ dàng vượt ra khỏi tầm kiểm soát và những sự kiện sẽ diễn ra như thế nào trong những tháng tới và có thể thậm chí là những năm tới sẽ mang tính chất quyết định đối với cán cân quyền lực toàn cầu. Nói cách khác, diễn biến ở Belarus cần được đánh giá ở góc độ địa-chính trị. 

Belarus nằm ở vị trí gần với trung tâm của khu vực quan trọng hàng đầu được gọi là “đại lục Á-Âu”, mà quyền kiểm soát khu vực này đóng vai trò thiết yếu trong việc thống trị thế giới. Thực ra, do vị trí gần gũi với khu đồng bằng Bắc Âu và không có rào cản về mặt địa lý, nên Belarus là một cửa ngõ kết nối Nga với châu Âu. Một vị trí địa lý như vậy của Belarus có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển các mối quan hệ kinh tế hoặc phô diễn sức mạnh, hoặc cả hai đường hướng này. Tuy nhiên, không dừng lại chỉ là sự việc nội bộ đơn thuần, cuộc khủng hoảng Belarus gây ra những hậu quả địa chính trị sâu rộng đối với các cường quốc gồm Nga, Mỹ và Trung Quốc.

Do tầm quan trọng về địa chính trị, Belarus đóng vai trò quan trọng đối với Nga như là một vùng đệm phòng thủ. Do đó, việc đảm bảo Belarus là một đồng minh hoặc chí ít giữ vai trò trung lập vẫn là một ưu tiên địa chiến lược đối với Moskva. Đối với Mỹ, làn sóng bất ổn hiện nay ở Belarus tạo cơ hội để thu hẹp tầm ảnh hưởng chính trị của Nga. Trong khi đó đối với Trung Quốc, Belarus là một đối tác kinh doanh quan trọng đồng thời cũng đóng vai trò trung gian để Bắc Kinh triển khai chiến lược địa-kinh tế ở châu Âu, cụ thể là thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế với Tây Âu, nhất là thông qua các hệ thống đường sắt. 

Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định rằng cuộc khủng hoảng hiện nay tại Belarus chủ yếu là hệ quả của những căng thẳng chính trị trong nước nhưng lại ẩn chứa một vấn đề quốc tế sâu sắc. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này gây ra những hệ quả vốn có thể tác động đến bàn cờ địa chính trị toàn cầu trong hàng chục năm tới.