Quỹ Hỗ trợ nông dân: Đòn bẩy giúp nông dân Bác Ái phát triển kinh tế

Là kênh tín dụng hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã trở thành đòn bẩy giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Bác Ái còn gặp khó khăn về kinh tế, thiếu vốn trong sản xuất mạnh dạn xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, giảm nghèo và từng bước làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Cách đây 3 năm, gia đình chị Lê Thị Thanh Trang, thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến thuộc diện cận nghèo, nguồn thu nhập chính của gia đình đến từ việc làm thuê và chăn nuôi dê nhỏ lẻ, vì vậy mà cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy là hộ có ý chí trong lao động, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho chị vay 25 triệu đồng từ Quỹ HTND để đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Như được tiếp thêm động lực, chị tích cực học hỏi kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi và mua thêm 7 con dê cái về chăm sóc. Sau thời gian ngắn nỗ lực lao động, đàn dê của gia đình phát triển và sinh sản tốt. Với nguồn thu nhập ổn định từ 50-70 triệu đồng/năm từ đàn dê 50 con, chị đã hoàn thành việc trả vốn trước thời hạn 1 năm. Đối với chị, nguồn vốn từ Quỹ HTND chính là chìa khóa mở ra cánh cửa để gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Mô hình nuôi gà, vịt thả vườn của Chi hội Nông dân thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại được Quỹ HTND đầu tư.

Không chỉ giúp các hộ nghèo, hộ có điều kiện kinh tế khó khăn vươn lên phát triển, nâng cao thu nhập mà Quỹ HTND còn góp phần thay đổi dần tập quán, phương thức trong lao động, sản xuất của hội viên, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như giá trị của sản phẩm làm ra. Nói thế bởi, khi các mô hình triển khai nhờ nguồn Quỹ HTND, các hội viên được Hội Nông dân huyện định hướng, tạo điều kiện tham gia các tổ, nhóm cùng sở thích, nghề nghiệp. Ở đó, các thành viên liên kết với nhau trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ con giống, vật tư, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm...Đơn cử như mô hình nuôi vịt gà, thả vườn của Chi hội Nông dân thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại gồm 3 thành viên được Quỹ hỗ trợ vay vốn. Dù mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2020 nhưng với sự hợp tác chặt chẽ của hội viên trong quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng cũng tìm kiếm đầu ra sản phẩm đã giúp mỗi hộ có nguồn thu nhập ổn định từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Được biết, nguồn Quỹ HTND được Hội Nông dân huyện Bác Ái triển khai từ năm 2013. Nguồn vốn được thực hiện theo hình thức xoay vòng, trong chu kỳ vay từ 1-3 năm, hội viên vừa tập trung phát triển các mô hình, dự án kinh tế, vừa tích góp hoàn trả vốn và phí để các hộ khác tiếp tục sử dụng. Chính vì điều này, các hội viên khi đăng ký vay vốn Quỹ đều chăm chỉ, tập trung vào lao động, sản xuất, không chông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Để phát huy hiệu quả vốn, trong quá trình bình xét vay, Hội tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu tham gia vay vốn, trong đó ưu tiến các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, có tinh thần trách nhiệm trong sử dụng vốn vay. Đến nay, nguồn Quỹ đã hỗ trợ cho gần 120 hội viên, với số tiền 2,8 tỷ đồng để triển khai 17 dự án, mô hình đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bác Ái cho biết: Hầu hết các mô hình đang được triển khai hay đã kết thúc từ Quỹ HTND đều mang lại lợi ích thiết thực cho bà con. Theo đó, đối với các mô hình đã kết thúc được bà con duy trì, nhân rộng triển khai. Điển hình như mô hình trồng chuối sứ tại xã Phước Bình, mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Phước Trung, nuôi bò vỗ béo ở xã Phước Chính. Còn các mô hình đang trong quá trình triển khai thì đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hội viên. Không dừng ở đó, hội viên được hưởng lợi từ nguồn Quỹ có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao trong duy trì và phát triển hiệu quả mô hình để trả vốn đúng và trước kỳ hạn.

Có thể thấy ở địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ khó khăn là đồng bào dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ lệ khá cao thì những nguồn vốn ưu đãi như Quỹ HTND chính là nguồn động lực, đòn bẩy thôi thúc các hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng các mô hình sản xuất, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của hội viên cũng như xóa đói, giảm nghèo bền vững của địa phương.