Hội Nông dân tỉnh: Triển khai nhiều mô hình giúp hội viên phát triển kinh tế

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Nhiều mô hình, dự án được Hội triển khai nhân rộng như dự án ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, tưới tiết kiệm điều khiển tự động; mô hình sản xuất cánh đồng lớn, kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm”; mô hình trồng măng tây xanh, bưởi da xanh, sản xuất thủy canh trong nhà kính, trồng nho giống mới NH01-152; xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể táo Ninh Thuận, tỏi Phan Rang, chuối hột mồ côi Phước Bình; mô hình nuôi cá bớp lồng, nuôi bò, dê, cừu vỗ béo; mô hình nhà màn chống ruồi vàng đục quả; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng các tổ, nhóm sản xuất tạo tiền đề cho việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nhãn hiệu tập thể.

Hội viên nông dân xã Phước Trung phát triển kinh tế nhờ mô hình nuôi dê sinh sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Tiến Mạnh

Ông Kiều Như Bổn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ: Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phong trào đã được hội viên hưởng ứng thi đua sôi nổi, nhiều mô hình sản xuất mới ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại được nông dân, Hợp tác xã áp dụng. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân giỏi tiêu biểu, các mô hình sản xuất mới đã giúp tăng số lượng các hộ khá, giàu, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Để tạo điều kiện thuận lợi và động viên khuyến khích nông dân đầu tư phát triển sản xuất, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả đề án xây dựng Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Trong năm qua, với dư nợ 20.301 triệu đồng, Hội đã giải quyết cho 786 lượt hộ vay từ 70 dự án, trong đó, dự án đầu tư cho trồng trọt có 16 dự án, chiếm tỷ lệ 22,9%; chăn nuôi có 44 dự án, chiếm 62,8%; nuôi trồng thủy, hải sản có 6 dự án, chiếm 8,6%; ngành nghề khác có 4 dự án, chiếm 5,7%. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh tích cực phối hợp với các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội tín chấp cho trên 39.565 lượt hộ hội viên nông dân vay vốn với tổng dư nợ 1.681 tỷ đồng phục vụ phát triển sản xuất kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung các dự án trong hạn đều được đánh giá có hiệu quả về kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, liên kết giữa các hộ có chung ngành nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho từng hộ vay trong dự án, điển hình dự án Trồng và cải tạo vườn măng tây xanh ở xã An Hải (Ninh Phước), ở xã Xuân Hải (Ninh Hải); nuôi cá bớp ở xã Thanh Hải (Ninh Hải); chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Hòa Sơn (Ninh Sơn);... Một số dự án trồng trọt kết hợp dịch vụ tham quan du lịch tăng nguồn thu nhập cho hộ vay, như dự án Trồng và cải tạo vườn nho xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), trồng cây ăn trái kết hợp đầu tư du lịch miệt vườn xã Lâm Sơn (Ninh Sơn)... Một số dự án (như: nuôi heo đen xã Bắc Sơn-Thuận Bắc, nuôi dê sinh sản xã Phước Tân-Bác Ái) hộ vay hầu hết đều là đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên từ khi tiếp cận được nguồn vốn, được sinh hoạt trao đổi thông tin, được hướng dẫn tập huấn kỹ thuật trong sản xuất, bà con đã chuyển đổi nhận thức, biết áp dụng kỹ thuật và tạo mối liên kết giữa các hộ trong nhóm cùng hỗ trợ nhau về kiến thức và thực hiện đúng quy trình sản xuất để đem lại hiệu quả cao theo mục tiêu của dự án.

Trong thời gian đến, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ ngân sách địa phương bổ sung vốn vào Quỹ hỗ trợ nông dân phấn đấu cấp mới trên 4 tỷ đồng; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để thu hồi nợ quá hạn. Chỉ đạo Hội nông dân huyện, thành phố hướng dẫn cho Hội Nông dân cấp cơ sở trong việc mở sổ sách theo dõi nguồn vốn vận động, phí Quỹ Hỗ trợ Nông dân, vào các loại sổ theo đúng quy định.

Hội tiếp tục đẩy mạnh chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với các sở, ngành để nâng cao kiến thức, năng lực cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; tăng cường công tác tập huấn để chuyển giao kinh nghiệm nâng cao kỹ thuật, tay nghề cho nông dân. Tiếp tục vận động nông dân phát triển sản xuất kinh tế nông nghiệp, gieo trồng các loại cây trồng theo mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; phối hợp tham gia thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm đặc thù của địa phương.