Đánh thức tiềm năng vùng đất nắng

Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh (khoảng trên 30%). Do đó, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu là cốt lõi để nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ngành Nông nghiệp tỉnh ta trước năm 2016 tồn tại những hạn chế như hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực tập trung. Tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chủ yếu nhờ tăng sản lượng từ mở rộng diện tích sản xuất. Để khai thác tiềm năng lợi thế vùng đất nắng, nâng tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong nền kinh tế, giai đoạn 2016-2020, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương, nông dân đẩy mạnh chương trình ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, lợi thế của tỉnh. Qua đó, đạt được những kết quả nhất định.

Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố không ngừng nghiên cứu các đối tượng cây trồng đặc thù phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh. Trong ảnh: Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố kiểm tra gene kháng thuốc trừ cỏ. Ảnh: V.M

Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Viện đã không ngừng nghiên cứu các đối tượng cây trồng đặc thù, có lợi thế cạnh tranh như nho, táo, măng tây xanh…, khắc phục các hạn chế trong quá trình sản xuất và hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho nông dân. Cụ thể, Viện đã chọn lọc giống nho mới NH01-152 có nhiều đặc tính tốt như khối lượng quả lớn, năng suất và chất lượng cao, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Viện cũng đã và đang tiếp tục tuyển chọn các giống cây ăn quả phù hợp với vùng khô hạn như táo TN05 có triển vọng phù hợp với thỗ nhưỡng Ninh Thuận.

Tiếp cận được giống cây ăn quả mới, nông dân trồng táo ứng dụng bao lưới chống ruồi vàng, tạo ra sản phẩm an toàn, tăng năng suất, tăng thu nhập cao gấp 1,6-1,8 lần so với trồng táo không bao lưới. Mô hình nhanh chóng được nhân rộng từ vài ha năm 2018, đến nay tăng lên 70 ha. Có thể nói, nhờ tiếp cận khoa học công nghệ, nông dân tỉnh ta đã vượt qua khó khăn nắng hạn sản xuất các sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao. Kể từ khi các hộ ở thôn Thái An, xã Vinh Hải (Ninh Hải) đưa giống nho NH01-152 vào sản xuất, kết hợp dùng túi chuyên dụng bao chùm nho cho lãi cao, đạt 260 triệu đồng/ha/vụ; nông dân xã Phước Bình (Bác Ái), phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm)… đưa giống bưởi da xanh vào trồng đã làm hồi sinh những vừng đất thiếu nước. Danh tiếng của các loại trái cây đặc sản đưa ngành Nông nghiệp tỉnh ta lên tầm cao mới, hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch miệt vườn. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tour du lịch tham quan và thưởng thức nho ngay tại vườn ở thôn Thái An mới đưa vào khai thác năm 2018 đã thu hút đông đảo du khách trong cả nước.

 

Nông dân phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) trồng bưởi da xanh cho thu nhập cao.

Tập trung triển khai 3 đột phá về thủy lợi, ứng dụng công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Báo cáo của Sở Nông nghiệp nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2016-2020 có 9 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, làm tốt vai trò “trụ cột” tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị đơn vị diện tích. Đơn cử, Công ty TNHH Nắng và Gió thực hiện Dự án nông nghiệp hữu cơ tại xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) đạt hiệu quả cao, góp phần vào nâng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 125,5 triệu đồng, tăng 4,2 lần so với năm 2015, vượt mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

Nhờ có chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, doanh nghiệp trở thành “mắt xích” quan trọng trong các chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp và hợp tác xã.. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 24 chuỗi liên kết cánh đồng lớn sản xuất lúa, quy mô đạt khoảng 4.000 ha, có sự đầu tư của doanh nghiệp về giống, vật tư, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Diện tích các loại cây trồng chủ lực tăng, nho, táo đạt 2.266 ha; măng tây xanh 100 ha; phát triển 14 dự án VietGAP vùng nho, hành, tỏi, măng tây xanh tại huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Tp. Phan Rang- Tháp Chàm.

Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh (khoảng trên 30%). Do đó, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu là cốt lõi để nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân. Để thực hiện đạt mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất tập trung đối với các loại cây trồng chủ lực; đồng thời, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án để hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật.