Khởi sắc khu dân cư Thiện Đức

Chúng tôi trở lại thôn Thiện Đức, xã Phước Ninh (Thuận Nam) vào dịp toàn tỉnh thi đua lao động sản xuất kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2- 9. Anh Nguyễn Văn Châu, Trưởng Ban quản lý thôn đưa chúng tôi đến thăm Nhà tưởng niệm 94 người dân địa phương bị thực dân Pháp thảm sát vào ngày 10-4-1947.

Cấp ủy, chính quyền và nhân dân vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng sự kiện thảm sát nhân dân làng Thạnh Đức năm 1947 là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, tọa lạc trong khu dân cư Thiện Đức, xã Phước Ninh (Thuận Nam). Chính quyền địa phương vận động trên 100 triệu đồng xây dựng nhà bia tưởng niệm có diện tích sử dụng 80 m2 và tổ chức cúng giỗ hàng năm để tưởng nhớ những người dân lành bị thực dân Pháp sát hại. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, thôn Thiện Đức có nhiều người con ưu tú anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó có liệt sỷ Nguyễn Phòng là con trai duy nhất của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Mên, anh dũng hy sinh trên cánh đồng thôn Thiện Đức vào dịp đầu xuân Mậu Thân 1968.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, cấp ủy chi bộ thôn Thiện Đức lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế địa phương vươn lên làm ăn xây dựng đời sống kinh tế- xã hội ngày càng phát triển. Thôn Thiện Đức hiện có 363 hộ, với 1.510 người dân sinh sống dựa vào nguồn thu nhập chủ yếu từ 74 ha ruộng hai vụ lúa được tưới từ hệ thống thủy lợi Tân Giang và 85 ha đất màu được tưới từ nguồn nước giếng. Nông dân đầu tư chuyển đổi cây trồng cạn ít sử dụng nước tưới cho giá trị kinh tế cao như táo 24 ha, măng tây xanh 6 ha, hành tím 9 ha, đậu các loại 9 ha, cây nho 2,5 ha, 6 ha cỏ chăn nuôi gia súc, hoa thiên lý 2 ha…Người dân tận dụng lá táo, trái táo và cây đậu chăn nuôi trên 2.100 con gia súc có sừng theo mô hình vỗ béo, tăng thu nhập cho nông hộ. Các nông hộ chăn nuôi 466 con bò và 1.640 con dê, cừu. Nhờ thực hiện hiệu quả các biện pháp canh tác phù hợp thời tiết khô hạn nên bảo đảm ổn định đời sống. Nông dân đầu tư mua sắm 10 chiếc máy cày và 1 chiếc máy gặt đập liên hợp, đưa 100% thiết bị cơ giới vào khâu làm đất, thu hoạch lúa bảo đảm thời vụ. ...

Nông dân Thiện Đức trồng táo cho thu nhập cao
bảo đảm đời sống no ấm, tích cực góp phần xây dựng NTM.

Cấp ủy chi bộ, Ban quản lý thôn và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân đoàn kết chung tay cùng chính quyền địa phương đóng góp công sức, tài chính xây dựng khu dân cư Thiện Đức ngày càng khởi sắc. Hệ thống giao thông nội đồng, nội thôn được Nhà nước hỗ trợ bê tông xi măng khang trang đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Huy động sức dân tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng cổng làng to đẹp lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng bảo đảm an ninh trật tự vào ban đêm. Tập thể cán bộ, nhân dân thôn Thiện Đức và cá nhân chị Đỗ Thị Thu Thảo được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong xây dựng xã Phước Ninh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Thôn Thiện Đức hiện còn 13 hộ với 46 nhân khẩu thuộc diện nghèo do già yếu neo đơn, thiếu sức lao động. Đời sống kinh tế phát triển, các gia đình quan tâm đầu tư con cái học hành thành đạt, có nhiều người trở thành bác sĩ, kỷ sư, giáo viên công tác ở các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Đơn cử các gia đình có 2-3 con tốt nghiệp đại học như Huỳnh Ngọc Minh, Cao Văn Châu, Trương Yến Đông. Chi hội Khuyến học thôn Thiện Đức vừa tổ chức khen thưởng gần 8 triệu đồng cho 78 học sinh đạt thành tích cao trong học tập năm học 2019- 2020. Toàn thôn hiện có trên 250 học sinh các trường phổ thông và trên 50 sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp “trồng người” trên quê hương cách mạng làng Thạnh Đức xưa.

Những ngày này bà con thôn Thiện Đức đang vào mùa thu hoạch măng tây xanh, táo canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng cao. Chị Huỳnh Thị Bích Thủy cho biết, gia đình trồng 6 sào măng tây chủ động bơm tưới từ giếng đào sâu 10 m. Sáng nay, vợ chồng chị thu hoạch 25 kg măng tây xanh thành phẩm chở về làng cân cho đại lý thu mua với giá 45.000 đồng/kg, thu nhập trên 1 triệu đồng/ngày. Cách vườn măng tây xanh của chị Thủy khoảng 50 m là vườn táo của gia đình chị Đỗ Thị Thu Thảo, diện tích 4,5 sào canh tác theo mô hình phủ màn và sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ ruồi vàng đục trái. Vườn táo vừa chín tới trái to tròn, vỏ căng mọng, chị Thảo thuê mười lao động thu hoạch cân bán cho thương lái thu mua với giá 12.000 đồng/kg. Khoảng 4-5 ngày, chị Thảo hái một lứa đạt sản lượng 2,5- 3 tấn trái có thu nhập trên 3 triệu đồng/lứa. Chị Thảo cho biết trung bình một sào táo trồng trên đồng đất Thiện Đức đầu tư chăm sóc tốt cho thu nhập trung bình 40 triệu đồng/sào/năm, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm.

Ông Phạm Chắt người cao tuổi tiêu biểu ở thôn Thiện Đức bày tỏ niềm vui: Bản thân tôi và bà con thôn xóm rất vui mừng khi thấy nhà nước quan tâm đầu tư vốn liếng kết hợp huy động nhân dân đóng góp xây dựng bộ mặt NTM khu dân cư Thiện Đức ngày càng phát triển, chuyển dịch cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, đời sống người dân ngày càng no ấm. Đặc biệt là trường học, chợ đầu mối, nước sinh hoạt, đường giao thông, đèn điện chiếu sáng đã làm bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Các cháu thanh-thiếu niên có trình độ học vấn, có kiến thức phát triển kinh tế gia đình đạt hiệu quả, xây dựng khu cư dân phát triển ngày càng giàu đẹp”.