Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất tôm giống

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh việc triển khai hỗ trợ cho người nuôi tôm sản xuất vụ tôm chính năm 2020 (bắt đầu thả nuôi vào tháng 5), do đó nhu cầu về con giống là rất lớn. Với địa phương có thế mạnh về sản xuất tôm giống như tỉnh ta, đây được coi là dấu hiệu tích cực.

Để đón đầu cơ hội mới, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh chú trọng việc ứng dụng quy trình sản xuất hiện đại nhằm tạo ra con giống đảm bảo chất lượng trước khi lưu thông đến người nuôi. Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận, cho hay: Công ty Cổ phẩn Đầu tư S6 đi tiên phong ứng dụng công nghệ vào sản xuất tôm giống với quy trình khép kín bằng việc nuôi cấy tảo thuần chủng trong hệ thống tuần hoàn, ươm nuôi ấu trùng bằng công nghệ vi sinh, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh tôm, nên sản phẩm luôn được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, đánh giá cao về chất lượng.

Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Giống thủy sản GRobest, xã An Hải (Ninh Phước) kiểm tra chất lượng tôm giống tại bể nuôi. Ảnh: H.P

Xu thế phát triển về khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 đã thúc đẩy nghề sản xuất giống thủy sản nói chung, tôm giống nói riêng lên tầng cao mới. Thông tin từ Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận, hiện có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống đã ứng dụng công nghệ xử lý nước đầu vào bằng hệ thống siêu lọc, tích hợp tia UV, Ozon, một số công ty cung cấp sản phẩm chuyên sâu giúp cải thiện chất lượng và hiệu quả của nghề sản xuất tôm giống như gia hóa tại chỗ, thức ăn tươi sống sạch bệnh cho tôm bố mẹ và thức ăn tươi sống chất lượng cao cho ương nuôi ấu trùng.

Tập trung cải tiến quy trình sản xuất và quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn BMP, VietGAP, Global GAP để doanh nghiệp nhận được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng tôm giống theo tiêu chuẩn mới là chiến lược “sống còn” của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ chưa có điều kiện để đầu tư trang thiết bị, công nghệ, do thiếu vốn. Cụ thể, trong số 130 cơ sở, tập đoàn, công ty sản xuất tôm giống tại Khu sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải (Ninh Phước) chỉ có có 47 công ty lớn đủ khả năng đầu tư công nghệ hiện đại, số còn lại đang gặp khó khăn về tài chính. Giải phát khắc phục ngành Nông nghiệp đưa ra là khuyến khích các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ liên kết thành những doanh nghiệp lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Sản xuất tôm giống PL12 chất lượng cao tại Công ty CP Đầu tư S6, xã Tri Hải (Ninh Hải). Ảnh: Bạch Thương

Theo ông Lê Văn Quê, các tháng cuối năm là vụ nuôi tôm chính, để đảm bảo sản xuất có hiệu quả, đạt năng suất và chất lượng, các tỉnh miền Tây Nam Bộ là thị trường tiêu thụ con giống chủ yếu từ Ninh Thuận do đó Hiệp hội đang thắt chặt việc quản lý đối với khâu giống, không để lọt các lô tôm giống không đạt yêu cầu vào địa phương. Ngành chức năng cũng tiến hành các đợt kiểm tra đột xuất, trường hợp phát hiện những cơ sở sử dụng con giống bố mẹ không đúng tiêu chuẩn về con giống sẽ bị xử lý nghiêm. Do đó, thời gian tới, các cơ sở tôm giống cần phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất. Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận đảm nhiệm vai trò “cầu nối” tiếp nhận các lớp tập huấn công nghệ từ các chuyên gia của các dự án hay các công ty cung cấp dịch vụ trên địa bàn, nhằm nâng cao kiến thức kỹ thuật cho các hội viên.