Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án điện gió

Đến nay UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 13 dự án điện gió với tổng công suất 679 MW và chấp nhận chủ trương cho 7 dự án khảo sát để bổ sung quy hoạch với tổng công suất 784 MW. Trong số 13 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư có 3 dự án đã triển khai xây dựng, đi vào hoạt động góp phần và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 13 dự án điện gió với tổng công suất 679 MW và chấp nhận chủ trương cho 7 dự án khảo sát để bổ sung quy hoạch với tổng công suất 784 MW. Trong số 13 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư có 3 dự án (Điện gió Đầm Nại, Điện gió Mũi Dinh, Điện gió Trung Nam) đã triển khai xây dựng, đi vào hoạt động góp phần và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Một số dự án chậm tiến độ được UBND tỉnh xem xét gia hạn cũng đã huy động mọi nguồn lực tập trung thi công hoàn thành khối lượng công việc đúng theo cam kết của nhà đầu tư.

Điện gió Mũi Dinh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Miên

Nhà máy điện gió Phước Minh (Thuận Nam) do Công ty TNHH Điện gió Adani Phước Minh làm chủ đầu tư, quy mô công suất 27,3 MW, tổng vốn đầu tư 965 tỷ đồng, khởi công tháng 8-2018 dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2018, nhưng trong điều kiện lưới điện truyền tải của tỉnh bị quá tải, nên tiến độ triển khai chậm. Chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, UBND tỉnh đã đồng ý giãn tiến độ đến hết tháng 12-2020 tại Công văn số 3471/UBND-KTTH ngày 15-8-2019. Đến nay, dự án đã hoàn tất việc ký quỹ với số tiền hơn 11,1 tỷ đồng, hoàn tất thủ tục thỏa thuận tổng mặt bằng, thỏa thuận tĩnh không, thiết kế cơ sở, môi trường, thỏa thuận đấu nối, mua bán điện. Công ty đã lắp đặt hàng rào, san ủi mặt bằng và đang tiến hành thi công trạm biến áp, dự kiến hoàn thành các công trình, lắp đặt thiết bị trong tháng 10 tới và chính thức đưa dự án vào hoạt động trong tháng 12-2020.

Tương tự, Nhà máy điện gió Win Energy Chiến Thắng do Công ty TNHH Điện gió Chiến Thắng làm chủ đầu tư thực hiện tại huyện Thuận Nam và Ninh Phước, quy mô công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.970 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào quý IV năm 2018 dự kiến hoàn thành vào quý I-2020 cũng được UBND tỉnh đồng ý giãn tiến độ đến quý II-2021 tại Công văn số 5085/UBND-KTTH ngày 15-12-2019. Hiện dự án đã tiến hành thi công đường nội bộ, các hạng mục phụ trợ, quyết tâm đưa vào hoạt động trong quý I-2021. Các dự án Công trình phong điện Việt Nam Power số 1 của Công ty Palatial Global Inc, Nhà máy điện gió số 67A của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô cũng đã có quy hoạch đấu nối đúng tiến độ.

Điện gió Đầm Nại (Thuận Bắc). Ảnh: Văn Miên

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2 dự án chậm tiến độ so với quyết định chủ trương đầu tư được cấp và 3 dự án chưa hoàn tất quy hoạch đấu nối. Nhà máy điện gió Lợi Hải 2 do Công ty Cổ phần Phong điện Bình Thuận làm chủ đầu tư, thực hiện tại huyện Thuận Bắc mặc dù đã hoàn tất nghĩa vụ ký quỹ, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận tổng mặt bằng, thiết kế cơ sở, thiết kế thi công, nhưng đến nay công ty mới triển khai xây dựng nhà điều hành, trạm biến áp. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân dự án chậm tiến độ do hệ thống truyền tải của tỉnh thời gian qua bị quá tải, công tác đấu nối cho dự án gặp khó khăn. Công ty đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị điều chỉnh công suất dự án, nên xin giãn thời gian hoàn thành dự án đến quý IV-2021, chậm hơn dự kiến 9 tháng. Đặc biệt, Nhà máy điện gió Công Hải 1 giai đoạn 1 chậm tiến độ lên tới 6 năm. Dự án khởi công vào tháng 6-2013, dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2014, mặc dù đã được UBND tỉnh gia hạn đến 30-4-2018, nhưng đến nay mới tiến hành xây dựng hệ thống điện phục vụ thi công. Nguyên nhân chậm trễ được chủ đầu tư lý giải do vấn đề chế tạo tuabin theo công nghệ mới tại Nga kéo dài, do đó công ty chưa dự kiến được tiến độ tiếp theo. Công ty đã tiến hành thông báo chấm dứt hợp đồng hợp tác với đối tác là Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn để chuyển sang sử dụng công nghệ 3 cánh thông dụng hiện nay, tuy nhiên đối tác đang đề nghị tiếp tục hợp tác đầu tư.

Trên tiến trình xây dựng tỉnh ta trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước có hai khó khăn lớn là công tác giải phóng mặt bằng dự án và đầu tư hạ tầng truyền tải để giải tỏa công suất các nhà máy điện, thì hiện nay cơ bản đã được tháo gỡ. Do đó, các nhà đầu tư không thể dẫn viện lý do kéo dài thời gian thi công. Đối với các dự án đã được UBND tỉnh đồng ý gia hạn tiến độ mà vẫn không thực hiện đúng theo cam kết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đưa vào kế hoạch giám sát năm 2020 để tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.