Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị

Ngày 22-7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến Phiên toàn thể trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu địa phương và 30 điểm cầu quốc tế tại 15 quốc gia với gần 2.000 đại biểu tham dự.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; Trần Quốc Nam, UVTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; Trần Quốc Nam, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh ta.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Năng lượng là ngành kinh tế - kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng còn gắn chặt với những hoạt động về chính trị - ngoại giao, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Sau khi được ban hành, với những quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về phát triển năng lượng quốc gia, Nghị quyết 55 đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế; tạo sự hưởng ứng và đồng thuận mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị. Theo đó, trên cơ sở vận dụng sáng tạo các định hướng và giải pháp đề ra trong nghị quyết vào thực tiễn, một số địa phương và doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và kịp thời xử lý, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc để phát triển năng lượng; việc xây dựng, bổ sung quy hoạch các dự án nguồn điện, nhất là các nguồn điện tái tạo được chú trọng và nâng cao hiệu quả; nhiều dự án năng lượng sạch và tái tạo quy mô lớn được đề xuất thực hiện phù hợp với những quan điểm, định hướng được nêu trong Nghị quyết 55. Song để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc mạnh mẽ, toàn diện và quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng đã nêu trong Nghị quyết 55.

Diễn đàn đã thông qua Chương trình hành động của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp năng lượng đã tập trung phân tích, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà…

Phát biểu tham luận trực tuyến tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sau khi Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hổ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, nhất là khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023, đã tiếp sức và là đòn bẩy rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bứt phá, hiệu quả, sau khi QH có NQ 31 dừng triển khai nhà máy điện hạt nhân. Theo đó, chỉ sau hơn 2 năm triển khai thực hiện các chính sách mới của Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo, ngành năng lượng trở thành điểm sáng kinh tế, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đưa tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2019 đạt 13,18% và 6 tháng 2020 đạt 8,4% nằm trong top cao nhất cả nước; thu ngân sách đạt 4.300 tỷ năm 2019, tăng gấp 2 lần so với năm 2016, vượt trước ba năm chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra (2800-3000 tỷ đồng); tạo động lực lan tỏa để phát triển thị trường bất động sản, công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ của tỉnh, khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất hoang hóa, khô cằn, góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ quản lý, vận hành nhà máy năng lượng kết hợp phục vụ hoạt động sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân; trở thành tỉnh đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo của cả nước, biến những khó khăn bất lợi thành lợi thế phát triển bền vững. Đặc biệt, Ninh Thuận là địa phương đầu tiên chủ động đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho phép tư nhân tham gia triển khai đầu tư hệ thống trạm 500Kv và đường truyền tải 500Kv kết hợp dự án điện mặt trời 450Mw với tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư. Sau 3 tháng thực hiện đến nay dự án đã đạt hơn 80% tổng tiến độ, dự kiến đưa vào vận hành tháng 9-2020. Là chứng minh sự đúng đắn của Chính phủ trong quyết định cho tư nhân tham gia đầu tư phát triển hệ thống truyền tải, từ đó ban hành các chính sách tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển nhanh hệ thống truyền tải quốc gia. Với chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo cả nước; đồng thời với vị trí nằm giữa các tỉnh có tiềm năng lợi thế nhất của cả nước về phát triển năng lượng tái tạo; hạ tầng các khu công nghiệp mới bắt đầu hình thành; hạ tầng cơ bản cảng nước sâu, cảng hàng không (cách sân bay Cam Ranh 65 km); có hệ thống đường sắt di qua và cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Nha trang chuẩn bị khởi công, Ninh Thuận đáp ứng đầy đủ yêu cầu để thu hút và phát triển ngành công nghiệp chế tạo năng lượng theo định hướng Nghị quyết 55. Qua đó, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ có cơ chế xác định Ninh Thuận là một trong trung tâm cụm ngành năng lượng quốc gia để tập trung có cơ chế chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp chế tạo cả nước.

Trong khuôn khổ tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ đầu tư với UBND các tỉnh, thành phố, giữa nhóm các nhà đầu tư trong các dự án năng lượng với nhau và với ngân hàng đầu mối thu xếp vốn. Trong đó, đáng chú ý là biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Cà Ná giữa tỉnh ta và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nam; Hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô giữa Công ty Cổ phần Chân Mây LNG và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế; Hợp tác nghiên cứu đầu tư Dự án điện gió ngoài khơi Lagan Bình Thuận giữa CIP, Asiapetro, Novasia và UBND tỉnh Bình Thuận; Hợp tác giữa các nhà thầu chế tạo trong nước Vietsovpetro/PVC MS với nhà đầu tư Enterprise Energy trong lĩnh vực điện gió; Hợp tác về việc thu xếp tài trợ 11.000 tỷ đồng giữa Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital thực hiện các dự án năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời và điện áp mái. Giá trị cam kết trong các biên bản ghi nhớ lên đến hàng chục tỷ USD, thể hiện sự quyết tâm của các địa phương và doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong đầu tư, phát triển năng lượng quốc gia trong thời gian tới.