Ngành Kiểm sát nhân dân Ninh Thuận: Không ngừng củng cố, xây dựng và phát triển

Hiến pháp năm 1959 đã ghi nhận chế định Viện Kiểm sát nhân dân (KSND), trong đó xác định vị trí, chức năng và các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của hệ thống Viện KSND Việt Nam.

Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 15-7-1960, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức Viện KSND. Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện KSND, từ đó, ngày 26-7, chính thức trở thành ngày truyền thống của ngành KSND.

Cùng với cả nước, từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm của lãnh đạo Viện KSND tối cao, Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của các cấp ủy Đảng, UBND, các ban, ngành trong tỉnh; đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nội chính và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, ngành KSND Ninh Thuận đã không ngừng được củng cố, phát triển về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Cụ thể, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Viện KSND tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; thực hành quyền công tố và KS hoạt động tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao ứng dụng CNTT đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2020, Viện KSND 2 cấp tỉnh đã thụ lý, giải quyết 3.509 nguồn tin về tội phạm; thực hành quyền công tố và KS điều tra trong lĩnh vực hình sự đối với 2.372 vụ/3.588 bị can; thụ lý giải quyết, truy tố 2.349 vụ/3.507 bị can; KS xét xử 2.279 vụ/3.369 bị cáo; KS tạm giữ 1.012 người và tạm giam 2.611 bị can; KS giải quyết trong lĩnh vực dân sự đối với 13.381 vụ việc/13.756 vụ, việc. Khối lượng công việc đã giải quyết ở trên là bằng chứng sinh động nhất cho sự đoàn kết và quyết tâm của đơn vị.

Viện KSND 2 cấp không ngừng nâng cao trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm theo tinh thần Chỉ thị số 06/CT-VKSTC của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, KS chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và đề ra các yêu cầu điều tra nhằm đảm bảo việc khởi tố, điều tra đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Cùng với đó, công tác KS việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật, số lượng vụ việc mà Viện KS 2 cấp KS việc giải quyết ngày càng tăng cao theo từng năm. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc trách nhiệm của Viện KS được chú trọng. Ngành cũng phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc các cấp KS Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam đã ban hành nhiều kết luận yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác tạm giữ, tạm giam, quản lý người chấp hành án phạt tù, góp phần quan trọng đảm bảo quyền công dân, quyền con người trong công tác bắt, tạm giữ, tạm giam được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Công tác KS thi hành án dân sự được chú trọng nâng cao về chất lượng và số lượng. Đồng thời thực hiện tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng và chính quyền trong việc giải quyết các điểm nóng, các vụ việc phức tạp tại địa phương; tham gia đầy đủ và có hiệu quả các Ban chỉ đạo của tỉnh và cấp huyện và được đánh giá cao.

Biểu dương và ghi nhận thành tích đó, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động, gồm: 1 hạng Nhất; 1 hạng Nhì; 5 hạng Ba cho các tập thể, cá nhân ngành KSND Ninh Thuận; nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Viện KSND tối cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng cờ thi đua, bằng khen, kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ pháp chế.

Đồng chí Phạm Thu, Viện Trưởng Viện KSND tỉnh, cho biết: Với những thành tựu trên là hết sức quan trọng, tạo tiền đề để ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Đơn vị tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc; luôn tuân thủ nguyên tắc độc lập và nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm, bảo đảm không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm, tôn trọng quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức Đảng trong ngành KS trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.