Nhóm BRICS khẳng định vị thế

Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) sẽ diễn ra tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc từ ngày 13 đến 15-4. BRIC, hiện chiếm gần một nửa dân số thế giới, đang có vị thế ngày càng quan trọng trên thế giới.

BRIC thành BRICS
Theo chương trình, trong kỳ họp này, nhóm BRIC sẽ kết nạp thêm thành viên mới là Nam Phi nên tên gọi sẽ trở thành BRICS. Đây là kỳ họp thượng đỉnh lần thứ ba của BRIC kể từ khi thành lập năm 2009. Theo AFP, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chủ trì hội nghị bên cạnh Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.

Theo ông Nagesh Kumar, giám đốc phụ trách chính sách vĩ mô và phát triển của Ủy ban Kinh tế và Xã hội LHQ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kết nạp thêm Nam Phi vào, nhóm BRIC sẽ tăng thêm tính đại diện cho các nền kinh tế mới nổi trên thế giới. Nam Phi hiện là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, chiếm 1/3 GDP của toàn khu vực hạ Sahara. Đất nước này cũng được xem là cửa ngõ vào châu Phi.

Trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng nhanh mức đầu tư, thương mại và hợp tác kinh tế với các nước châu Phi, trong đó lớn nhất là tại Nam Phi. Khi Nam Phi gia nhập BRIC, các nước châu Phi sẽ có nhiều cơ hội hợp tác kinh tế hơn với châu Á, nhất là với Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo các nhà phân tích, Nam Phi cũng là một trong những trung tâm tài chính mạnh của thế giới. Nước này có truyền thống đưa ra các quyết định độc lập trong các kỳ họp hơn là chiều theo sự áp đặt của các nước lớn. Mặc dù so về quy mô kinh tế và dân số, Nam Phi có vẻ kém các thành viên còn lại trong BRICS nhưng GDP đầu người của nước này chỉ thua Nga và Brazil.

Nam Phi đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức World Cup 2010, sẵn sàng truyền lại cho Brazil và Nga, hai nước chủ nhà của World Cup 2014 và 2018. Trung Quốc cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Olympic 2008 với Nam Phi khi nước này nộp đơn xin đăng cai Olympic 2020.


Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trao đổi với Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.
 

Kinh tế BRICS sẽ vượt Mỹ?

Nhật báo Economic Times dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Vishnu Prakash nói nhóm BRICS là diễn đàn mới nhưng tiếng nói đang ngày càng trở nên quan trọng. Là nhóm đại diện cho thị trường đang tăng trưởng lớn nhất với 44% dân số thế giới, tất cả đều là thành viên LHQ, trong đó có 2 thành viên thường trực HĐBA LHQ. Tất cả 5 nước đều là thành viên nhóm G20, một sân chơi lớn hơn của các nền kinh tế thế giới. Nếu hợp tác chặt chẽ hơn trong nhóm G20, thì nhóm BRICS sẽ càng mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, họ nên tập trung hơn nữa vào những vấn đề mang tính lợi ích chung như cải tổ hệ thống tài chính thế giới, tăng thêm đại diện cho tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi trong các định chế tài chính quốc tế.

Nhóm BRICS cũng cần khẳng định hơn nữa vai trò của mình, nhất là trong việc kết thúc vòng đàm phán thương mại đa phương Doha nhằm đẩy mạnh tự do thương mại toàn cầu. BRICS sẽ gánh trọng trách mang tính bước ngoặt, chuyển trọng tâm phát triển kinh tế từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển.

Theo ông Patrick Matlou, Giám đốc viện châu Phi tại Nam Phi, thế giới đã thay đổi kể từ Chiến tranh lạnh và cơ sở để cho việc điều hành nền kinh tế toàn cũng cần thay đổi. Các thành viên của nhóm BRICS trở thành những “đại gia” toàn cầu, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo báo cáo thường niên của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, các thành viên trong nhóm BRICS có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và khá vững trong vòng 15 năm tới. BRICS sẽ đóng góp 22% vào mức tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2015 và vào lúc đó nền kinh tế của BRICS sẽ vượt qua Mỹ, sớm hơn 5 năm so với dự báo trước đó của Jim O’Neal, Chủ tịch Goldman Sachs.

(Theo SSGPO)